Các phòng, không gian chức năng trong công trình chính của trạm y tế xã phường cần bảo đảm yêu cầu thiết kế như thế nào?

Cho tôi hỏi, các phòng, không gian chức năng trong công trình chính cần bảo đảm yêu cầu thiết kế như thế nào? Mong được hỗ trợ theo quy định mới nhất.

Căn cứ Tiểu mục 4 Mục I Hướng dẫn thiết kế cơ bản trạm y tế xã, phường, thị trấn ban hành kèm theo Thông tư 32/2021/TT-BYT (Có hiệu lực từ 15/02/2022) quy định về yêu cầu thiết kế đối với các phòng, không gian chức năng trong công trình chính của trạm y tế xã phường như sau:

- Phòng hành chính - giao ban:

+ Bố trí ở khu vực dễ tiếp cận (ưu tiên bố trí tại tầng 1) để thuận tiện cho việc đón tiếp, liên hệ trực tiếp với không gian đón tiếp (không gian đa năng);

+ Phải đảm bảo diện tích để kê bộ bàn ghế họp (tối thiểu 10 ghế), bàn ghế làm việc, bàn máy tính-máy in và các tủ đựng tài liệu;

- Phòng khám bệnh:

+ Bố trí ở khu vực dễ tiếp cận (ưu tiên bố trí tại tầng 1). Tùy vào nhu cầu thực tế có thể bố trí 1 đến 2 phòng khám (thông nhau);

+ Bố trí 01 phòng khám chung bao gồm: Khám tổng quát, khám chuyên khoa (tùy theo điều kiện thực tế), siêu âm;

+ Phải đảm bảo diện tích để kê bộ bàn ghế khám bệnh, bộ bàn ghế ghi chép, nhập số liệu (có máy vi tính, máy in), máy siêu âm (nếu có) , giường khám bệnh (có rèm che hoặc vách ngăn di động), tủ đựng dụng cụ, thùng đựng rác thải, lắp đặt bồn rửa tay. Phải có chỗ để bố trí các phương tiện truyền thông giáo dục sức khỏe phù hợp với chức năng của phòng;

+ Kết hợp với chức năng khám trước khi tiêm chủng;

+ Kết hợp với chức năng khám thai (nếu không có điều kiện bố trí phòng khám thai riêng).

- Phòng sơ cứu, cấp cứu (Vùng 1 có thể kết hợp với phòng khám, phòng tiêm):

+ Bố trí ở tầng 1, vị trí dễ tiếp cận;

+ Phải đảm bảo diện tích để kê giường cấp cứu, bàn tiểu phẫu, tủ đựng thuốc và dụng cụ sơ cấp cứu, xe đẩy, các thùng đựng rác, lắp đặt bồn rửa tay. Phải có chỗ để bố trí phác đồ chống phản vệ và các phương tiện truyền thông giáo dục sức khỏe phù hợp với chức năng của phòng;

+ Cửa ra vào rộng tối thiểu 1,4m, có hệ thống cấp, thoát nước phục vụ rửa dạ dày;

- Phòng tiêm (bao gồm cả tiêm vắc xin):

+ Bố trí cùng tầng và gần với phòng khám, ở khu vực dễ tiếp cận. Có 2 cửa ra vào để bảo đảm quy trình 1 chiều;

+ Phải đảm bảo diện tích để kê: bộ bàn ghế tiêm, bàn tiểu phẫu, xe tiêm, xe đẩy cấp phát thuốc và dụng cụ, tủ đựng vắc xin, tủ đựng thuốc và dụng cụ, thùng đựng rác, lắp đặt bồn rửa tay. Phải có chỗ để bố trí phác đồ chống sốc phản vệ, lịch tiêm chủng, hướng dẫn theo dõi xử lý phản ứng sau tiêm và các phương tiện truyền thông giáo dục sức khỏe phù hợp với chức năng của phòng;

+ Bố trí gần phòng khám và phòng lưu người bệnh để kết hợp chức năng theo quy trình tiêm vắc xin: khám -tiêm-theo dõi sau tiêm;

+ Hoàn thiện sàn, tường bằng vật liệu đảm bảo các điều kiện vệ sinh, kháng khuẩn.

- Phòng y dược cổ truyền (có thể kết hợp để phục hồi chức năng):

+ Bố trí ở nơi dễ tiếp cận, ưu tiên bố trí tại tầng 1;

+ Phải đảm bảo diện tích để tổ chức không gian khám bệnh (kê bộ bàn ghế bắt mạch và chia thuốc theo thang, tủ chia ô đựng thuốc cổ truyền) và không gian điều trị (kê giường châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt có ri đô hoặc vách ngăn di động; đèn hồng ngoại điều trị; tủ đựng dụng cụ; bồn rửa tay và các thùng đựng rác), trường hợp không đủ diện tích có thể bố trí 2 khu vực này ở 2 phòng cạnh nhau. Phải có chỗ để bố trí bộ tranh châm cứu, phác đồ xử lý các tai biến khi thực hiện thủ thuật và các phương tiện truyền thông giáo dục sức khỏe phù hợp với chức năng của phòng.

- Phòng đẻ (sanh), thủ thuật kế hoạch hóa gia đình:

+ Bố trí ở khu vực dễ tiếp cận tại tầng 1;

+ Phải đảm bảo diện tích để kê: bàn đẻ và làm thủ thuật, bàn để dụng cụ, tủ đựng thuốc và dụng cụ, bàn chăm sóc trẻ sơ sinh, đèn khám để sàn (đèn gù) , bồn rửa tay và các thùng đựng rác;

+ Hoàn thiện nền, tường bằng vật liệu đảm bảo các điều kiện vệ sinh, kháng khuẩn. Nền không thấm nước, chống trơn trượt, dễ vệ sinh cọ rửa, có hệ thống kín dẫn nước thải;

+ Phòng phải đảm bảo đủ ánh sáng, kín gió, có máy điều hòa nhiệt;

+ Phải có các giải pháp chống côn trùng.

- Xét nghiệm:

+ Bố trí chỗ để lấy mẫu xét nghiệm và tạm lưu mẫu xét nghiệm. Chỗ lấy mẫu phải đảm bảo diện tích để kê bàn lấy mẫu, thùng đựng rác thải và lắp đặt bồn rửa tay;

+ Đối với vùng 2 và vùng 3, tùy vào nhu cầu và điều kiện thực tế có thể bố trí phòng xét nghiệm riêng biệt;

+ Phòng xét nghiệm (nếu có) phải đảm bảo diện tích để bố trí, lắp đặt trang thiết bị đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất quy định tại khoản 1, 2 Điều 5 Nghị định số 103/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01 tháng 7 năm 2016 quy định về bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm.

- Quầy thuốc - Kho thuốc (có thể kết hợp với quầy trực, đón tiếp):

+ Bố trí ở nơi dễ tiếp cận tại tầng 1, tiếp xúc trực tiếp với sảnh đón tiếp;

+ Phải đảm bảo các điều kiện môi trường (ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm) theo đúng quy định, phải cách xa nguồn ô nhiễm;

+ Quầy thuốc phải đảm bảo diện tích để kê bàn ghế, thiết bị làm việc và tủ thuốc tây y-phương tiện tránh thai, thùng đựng rác thải;

+ Kho thuốc: Phải có máy điều hòa nhiệt độ, máy hút ẩm, có nhiệt kế, ẩm kế để theo dõi điều kiện bảo quản thuốc. Phải đảm bảo diện tích để kê tủ đựng thuốc tây y-phương tiện tránh thai và chế phẩm thuốc cổ truyền, tủ lạnh bảo quản thuốc, tủ vắc xin chuyên dụng.

- Phòng tiệt trùng:

+ Phải đảm bảo diện tích để bố trí bàn đặt nồi hấp tiệt trùng, tủ sấy, xe đẩy dụng cụ và thùng đựng rác thải;

+ Hoàn thiện sàn, tường bằng vật liệu đảm bảo chống ăn mòn hóa chất, có bồn rửa dụng cụ. Có quy trình chống nhiễm khuẩn và tiệt trùng dụng cụ y tế được phê duyệt treo trên tường.

- Phòng lưu người bệnh (có thể kết hợp để lưu sản phụ, theo dõi sau tiêm chủng, phục hồi chức năng):

+ Phải đảm bảo diện tích để kê ít nhất 02 giường bệnh, 02 tủ đầu giường và thùng đựng rác thải. Phải có chỗ để bố trí các phương tiện truyền thông giáo dục sức khỏe phù hợp với chức năng của phòng;

+ Nên có phòng vệ sinh riêng hoặc được bố trí gần khu vệ sinh chung. Trường hợp không có phòng vệ sinh riêng thì phải bố trí lắp đặt bồn rửa tay ở vị trí phù hợp.

- Phòng khám phụ khoa (không bắt buộc với vùng 1):

+ Phải đảm bảo diện tích để kê bàn khám phụ khoa, bàn để dụng cụ, tủ đựng dụng cụ, đèn khám đặt sàn (đèn gù), thùng đựng rác thải và lắp đặt bồn rửa tay;

+ Nền không thấm nước, hoàn thiện tường bằng vật liệu đảm bảo các điều kiện vệ sinh, chống thấm từ sàn tới trần;

+ Có rèm che đảm bảo tính riêng tư, kín đáo.

- Phòng tư vấn truyền thông giáo dục sức khỏe ( có thể kết hợp theo dõi sau tiêm chủng):

+ Bố trí nơi dễ tiếp cận, cạnh phòng tiêm chủng;

+ Phải đảm bảo diện tích để kê bộ bàn ghế tư vấn và các thiết bị cần;

+ Tùy vào điều kiện thực tế có thể có hoặc không có phòng tư vấn riêng biệt. Nếu có phòng tư vấn riêng biệt thì kết hợp chức năng theo dõi sau tiêm chủng. Trường hợp không có phòng riêng biệt thì có thể kết hợp thực hiện tại các phòng chức năng khác.

- Phòng trực (có thể ghép với quầy thuốc hoặc phòng hành chính):

+ Bố trí ở nơi dễ tiếp cận tại tầng 1;

+ Diện tích tối thiểu đủ để kê giường trực và tủ quần áo;

+ Có chuông điện, điện thoại bàn.

- Khu vệ sinh:

+ Bố trí trong công trình chính (vệ sinh nhân viên và người bệnh riêng biệt). Phải lưu ý về vị trí bố trí khu vệ sinh để đảm bảo yêu cầu vệ sinh;

+ Nếu khu vệ sinh bố trí ngoài nhà thì phải có nhà cầu nối sang công trình chính;

+ Thiết bị vệ sinh phải phù hợp với tập quán sinh hoạt của địa phương.

- Các chức năng khác (nếu có):

+ Khám chuyên khoa (không bắt buộc): Phải đảm bảo diện tích để kê thiết bị, tủ đựng dụng cụ, bàn ghi hồ sơ, thùng đựng rác thải và lắp đặt bồn rửa tay. Phải có chỗ để bố trí các phương tiện truyền thông giáo dục sức khỏe phù hợp với chức năng của phòng;

+ Phòng trưởng trạm, phòng nhân viên (không bắt buộc);

+ Kho, bếp (không bắt buộc).

Trân trọng!

 

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào