Có thể thỏa thuận không đóng BHXH hay không?

Người lao động có thể thỏa thuận với công ty để không đóng BHXH có được không ạ? Nếu được thì công ty có hỗ trợ chi phí gì cho mình không?

1. Có được thỏa thuận với công ty không đóng BHXH không?

Người lao động đã ký HĐLĐ chính thức với công ty, công ty đã thực hiện báo tăng. Nhưng người lao động lại thỏa thuận công ty là không đóng BHXH. Như vậy có được không ạ?

Trả lời:

Tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc như sau:

Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

Như vậy, theo quy định nêu trên khi ký hợp đồng lao động từ 01 trở lên thì đã thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc. Người lao động và người sử dụng lao động không có quyền thỏa thuận không tham gia BHXH trong trường hợp này.

Bên cạnh đó, Nghị định 28/2020/NĐ-CP có quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với NLĐ có hành vi thỏa thuận với NSDLĐ không tham gia BHXH bắt buộc, BHTN, tham gia không đúng đối tượng hoặc tham gia không đúng mức quy định.

2. Làm thêm có phải đóng BHXH không?

Đi làm thêm thì có phải đóng BHXH không? Em làm thêm tại một siêu thị nhỏ, làm bán thời gian. Em làm khoảng tầm 3 đến 4 tháng tại đây ạ. Không biết trong thời gian này có phải đóng BHXH không ạ?

Trả lời:

Theo quy định tại Bộ luật lao động 2019 thì đối với NLĐ làm việc không trọn thời gian (part time) thì NSDLĐ vẫn phải có trách nhiệm giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, tùy thuộc vào tình hình thực tế về thời gian làm việc để lựa chọn hình thức giao kết HĐLĐ bằng lời nói hoặc văn bản.

Và Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 có quy định người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

...

Tuy nhiên, Khoản 3 Điều 85 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Như vậy, điều kiện để bạn được đóng BHXH bắt buộc gồm:

- Hợp đồng lao động từ 01 tháng;

- Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương không quá 14 ngày làm việc trở lên trong tháng;

- Mức lương tháng bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng BHXH.

Nếu đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên thì chị sẽ được đóng BHXH. Do đó, chị có thể đối chiếu với trường hợp cụ thể của mình.

3. NLĐ không muốn đóng BHXH thì công ty phải trả chi phí hỗ trợ đúng không?

NLĐ không muốn tham gia BHXH bắt buộc thì công ty phải trả chi phí hỗ trợ cho khoản tiền này đúng không? Bên mình mới ký hợp đồng lao động với nhân sự mới. Nhưng bạn không muốn tham gia đóng bảo hiểm xã hội thì cơ quan, doanh nghiệp có phải trả phần chi phí hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp cho người lao động không ạ?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

....

Như vậy, khi bạn nhân viên này đã ký hợp đồng lao động với phía công ty chị mà hợp đồng có thời hạn từ 01 trở lên thì đã thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Bên cạnh đó, nếu công ty không thực hiện báo tăng, đóng BHXH cho người lao động thì có thể bị phạt tiền (Khoản 5 Điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP):

Phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Do đó, công ty cần giải thích cho NLĐ hiểu thêm về quyền lợi và nghĩa vụ tham gia BHXH bắt buộc.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào