Quy định về việc đảm bảo vệ sinh và quản lý sử dụng thiết bị, dụng cụ pha chế thuốc

Cho hỏi theo quy định mới của pháp luật về hoạt động pha chế thuốc để điều trị người bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Công tác đảm bảo vệ sinh và quản lý sử dụng thiết bị, dụng cụ pha chế thuốc được quy định như thế nào?

1.Công tác đảm bảo vệ sinh trong hoạt động pha chế thuốc

Căn cứ Điều 6 Thông tư 30/2021/TT-BYT (Có hiệu lực từ 01/03/2022) quy định về hoạt động pha chế thuốc để điều trị người bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành có quy định về việc bảo đảm vệ sinh trong hoạt động pha chế thuốc như sau:

- Cơ sở phải có các quy định, quy trình cho việc vệ sinh và tổ chức thực hiện đầy đủ. Các quy định, quy trình này phải được rà soát định kỳ và được phê duyệt bởi người đứng đầu cơ sở.

- Có quy định, quy trình và phương pháp vệ sinh cho khu vực pha chế

+ Vệ sinh cho thiết bị phù hợp với yêu cầu của từng cấp độ duy trì môi trường sạch, loại thiết bị, quy trình pha chế thuốc;

+ Biện pháp xử lý thường xuyên chất thải từ bộ phận pha chế, thùng đựng chất thải được đánh dấu rõ ràng, đổ và vệ sinh thường xuyên, tối thiểu 01 lần một ngày;

+ Nội dung các quy định, quy trình vệ sinh phù hợp với việc vệ sinh trước hoặc sau khi pha chế, đổi lô, đổi loại thuốc.

- Yêu cầu vệ sinh cá nhân

+ Nhân viên làm việc trong các bộ phận pha chế phải được tập huấn về thực hành và tuân thủ các quy trình, quy định vệ sinh của cơ sở, bảo đảm các điều kiện vệ sinh khu vực pha chế, thiết bị, dụng cụ và vệ sinh cá nhân;

+ Trang phục cho nhân viên khi pha chế gồm: kính bảo hộ, găng tay phẫu thuật không bột, áo choàng dùng một lần, không thấm nước, tay dài kín cổ tay, mũ trùm kín tóc, khẩu trang, bọc giầy.

2. Quản lý sử dụng thiết bị, dụng cụ pha chế thuốc 

Căn cứ Điều 5 Thông tư này có quy định về việc quản lý sử dụng thiết bị, dụng cụ pha chế thuốc như sau:

- Thiết bị, dụng cụ phù hợp cho việc pha chế của từng dạng thuốc.

- Các thiết bị, dụng cụ pha chế phải được bảo dưỡng định kỳ theo khuyến nghị của nhà sản xuất, bảo đảm an toàn khi sử dụng, tránh nhiễm khuẩn, tích tụ bụi bẩn, tránh được các tác động ảnh hưởng đến chất lượng thuốc.

- Cân và các thiết bị đo lường phải được hiệu chuẩn, kết quả hiệu chuẩn phải được ghi chép và lưu trữ theo quy định tại Thông tư số 07/2019/TT-BKHCN ngày 26 tháng 7 năm 2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26 tháng 9 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2.

- Cơ sở phải ban hành các quy trình hướng dẫn việc sử dụng, vệ sinh, bảo dưỡng trang thiết bị, dụng cụ, thực hiện theo hướng dẫn và ghi chép đầy đủ nhật ký sử dụng.

- Thiết bị hỏng hoặc không sử dụng phải được chuyển ra khỏi khu vực pha chế.

Trân trọng!

Mạc Duy Văn

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào