Đã nhận TCTN có được nhận chế độ thai sản? Nghỉ thai sản có sử dụng BHYT không?

Liên quan tới chế độ thai sản, tôi muốn hỏi trường hợp đã nhận TCTN có được hưởng chế thai sản hay không? Khi nghỉ thai sản, công ty báo giảm thì có được sử dụng BHYT không ạ? 

1. Đã lãnh TCTN thì có được làm hồ sơ nhận chế độ thai sản?

Cho em hỏi về chế độ thai sản, em nghỉ việc từ tháng 6/2021 và làm hồ sơ lãnh TCTN được 3 tháng. Vậy em có được lãnh chế độ thai sản không? Em đóng BHXH từ tháng 3/2019 đến 6/2021. Mà ngày dự sinh của em là 12/2021.

Trả lời:

*Về trợ cấp thất nghiệp:

Theo Điều 49 Luật việc làm 2013 quy định về để được hưởng BHTN thì NLĐ cần đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp:

+ NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật;

+ Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này.

- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm.

- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Như vậy, căn cứ quy định trên khi NLĐ đáp ứng các điều kiện trên thì có thể nộp hồ sơ để nhận TCTN. Lưu ý: Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, phải nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ hưởng BHTN tới trung tâm dịch vụ việc làm.

Trợ cấp thất nghiệp và chế độ thai sản là hai chế độ độc lập, nếu NLĐ đáp ứng đủ các điều kiện thì sẽ được nhận.

*Về chế độ thai sản:

Theo thông tin chị cung cấp thì chị đã nghỉ việc từ 6/2021 và đã nhận TCTN. Và không có quy định nào nếu đã nhận TCTN thì sẽ không được nhận chế độ thai sản. Nên khi chị đáp ứng đủ điều kiện sau thì sẽ được hưởng chế độ thai sản (Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội 2014)

- Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Lao động nữ mang thai;

+ Lao động nữ sinh con;

+ Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

....

- Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

- Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Theo đó, ngày dự sinh 12/2021 thì thời gian đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con được tính từ: Tháng 12/2020 - tháng 11/2021 mà chị nghỉ việc từ 6/2021. Do đó, chị đã đủ thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ thai sản (từ 12/2020 đến 06/2021 là 07 tháng).

Bên cạnh đó, trường hợp chị nghỉ việc trước thời điểm sinh con thì sẽ nộp hồ sơ và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

2. Công ty báo giảm nghỉ thai sản có được hưởng BHYT không?

Trường hợp công y đã báo giảm nghỉ thai sản thì người lao động có được hưởng BHYT không? Vợ mình nghỉ thai sản bắt đầu từ ngày 30/11 và dự sinh ngày 25/12. Công ty đã thực hiện báo giảm nghỉ thai sản thì không biết là có được hưởng BHYT tiếp không?

Trả lời:

Theo Điều 98 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều chỉnh thông tin tham gia bảo hiểm xã hội như sau:

1. Người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản với cơ quan bảo hiểm xã hội khi có thay đổi thông tin tham gia bảo hiểm xã hội.

2. Hồ sơ điều chỉnh thông tin cá nhân của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bao gồm:

a) Tờ khai điều chỉnh thông tin cá nhân;

b) Sổ bảo hiểm xã hội;

c) Bản sao giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến việc điều chỉnh thông tin cá nhân theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trường hợp có sự thay đổi thông tin tham gia BHXH thì người sử dụng lao động sẽ thông báo với cơ quan BHXH (báo tăng, báo giảm). Theo đó, khi người lao động nghỉ thai sản trên 14 ngày trong tháng thì công ty sẽ thực hiện báo giảm.

Và tại Khoản 6 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 thì người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, thời gian này được tính là thời gian đóng BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN và được cơ quan BHXH đóng BHYT cho người lao động.

Đồng thời, tại Khoản 5 Điều 2 Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì nhóm do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng trong đó có người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

Từ các quy định trên, sau khi công ty báo giảm thì vợ anh vẫn được hưởng BHYT. Lưu ý: Vợ anh vẫn được dùng thẻ BHYT trước đây công ty cấp, cơ quan BHXH sẽ gia hạn trực tiếp trên thẻ này.

3. Sẩy thai 5 tuần tuổi được nghỉ mấy ngày?

Sẩy thai lúc 5 tuần tuổi thì được nghỉ bao nhiêu ngày? Chào anh chị, người lao động bên em bị sẩy thai tự nhiên. Trong giấy ra viện thì bác sĩ có ghi là 5 tuần tuổi. Vậy theo Chế độ thai sản thì người lao động khi bị sẩy thai sẽ được nghỉ bao nhiêu ngày vậy ạ?

Trả lời:

Theo Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý như sau:

- Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:

+ 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;

+ 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;

+ 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;

+ 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

- Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Như vậy, người lao động của đơn vị chị bị sẩy thai và được cơ sở khám, chữa bệnh xác định là sẩy thai 5 tuần tuổi. Do đó, trường hợp người lao động được nghỉ việc tối đa 20 ngày.

*Về mức hưởng chế độ thai sản khi sẩy thai

Tại Điều 39 Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản như sau:

Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính, cụ thể:

- Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;

...

- Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 của Luật này thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.

Cụ thể: Mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm 6 tháng liền kề trước khi nghỉ : 30 ngày x 20 ngày nghỉ.

*Về thủ tục hưởng chế độ thai sản khi sẩy thai

NLĐ nộp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đối với trường hợp điều trị ngoại trú, bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với trường hợp điều trị nội trú cho người sử dụng lao động, trong thời gin 45 ngày, kể từ ngày trở lại làm việc.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Chế độ thai sản

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào