Những hành vi không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động?
Nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động
Theo Bộ luật Lao động mới thì nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động được quy định thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 16 Bộ luật Lao động 2019, có quy định về việc cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng như sau:
1. Người sử dụng lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người lao động về công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, tiền lương, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người lao động yêu cầu.
2. Người lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người sử dụng lao động về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu.
Những hành vi nào công ty, doanh nghiệp không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động
Tìm hiểu quy định của pháp luật về lao động. Cho hỏi những hành vi nào công ty, doanh nghiệp không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động? Mong sớm nhận hồi đáp.
Trả lời: Theo quy định tại Điều 17 Bộ luật Lao động 2019, có quy định về những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động như sau:
Hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động
1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
3. Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.
Ký hợp đồng lao động xác định thời hạn phải báo trước bao nhiêu ngày khi nghỉ việc? Mong sớm nhận phản hồi thắc mắc nêu trên.
Trả lời: tại Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về việc ký hợp đồng lao động xác định thời hạn phải báo trước bao nhiêu ngày khi nghỉ việc:
Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
- Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 đến 36 tháng;
- Ít nhất 3 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 12 tháng;
...
Như vậy, theo quy định mới thì đã có sự thay đổi trong loại hợp đồng (bỏ quy định về hợp đồng thời vụ) nên trường hợp người lao động ký hợp đồng xác định thời hạn thì khi muốn nghỉ việc người lao động phải báo trước cho người sử dụng lao động sẽ có hai trường hợp xảy ra:
TH1. Nếu ký hợp đồng từ 12 đến 36 tháng: báo trước ít nhất 30 ngày.
TH2. Nếu ký hợp đồng dưới 12 tháng: báo trước ít nhất 3 ngày làm việc.
Tuy nhiên, quy định mới vẫn có một số ngoại lệ tại Khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, khi rơi vào các trường hợp này thì người lao động có quyền nghỉ việc ngay đó là:
1. Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận (trừ Điều 29);
2. Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn (trừ Khoản 4 Điều 97);
3. Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
4. Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
5. Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc (trừ Khoản 1 Điều 138);
6. Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định;
7. Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng (trừ Khoản 1 Điều 16).
Trân trọng.
Thư Viện Pháp Luật