Giám định tư pháp xây dựng được thực hiện theo quy đinh như nào?
Căn cứ theo Điều 10 Thông tư 17/2021/TT-BXD (Có hiệu lực từ 05/02/2022) quy định về quy trình thực hiện giám định tư pháp xây dựng như sau:
- Tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định
+ Tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng tiếp nhận quyết định trưng cầu giám định hoặc văn bản yêu cầu giám định; kiểm tra sự đầy đủ, tính hợp lệ của hồ sơ, tài liệu, đối tượng giám định (nếu có) được giao nhận theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này;
+ Việc giao, nhận hồ sơ, tài liệu, đối tượng giám định thực hiện theo quy định tại Điều 27 Luật Giám định tư pháp. Trường hợp đối tượng giám định không thể gửi kèm quyết định trưng cầu, yêu cầu giám định thì người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định và tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng thực hiện lập biên bản giao, nhận đối tượng giám định tại hiện trường nơi có vụ việc được trưng cầu, yêu cầu giám định theo quy định;
+ Trường hợp hồ sơ, tài liệu phục vụ giám định không đầy đủ, không hợp lệ thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng có văn bản đề nghị người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định bổ sung, hoàn thiện;
+ Trường hợp từ chối giám định theo quy định tại khoản 2 Điều 11 và điểm b khoản 1 Điều 24 Luật Giám định tư pháp được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 và khoản 14 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp hoặc trường hợp không được thực hiện giám định tư pháp theo quy định tại Điều 34 Luật Giám định tư pháp thì tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng thông báo lý do bằng văn bản cho người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu, yêu cầu giám định.
- Chuẩn bị giám định
+ Tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng cần thiết lập đề cương, dự toán chi phí giám định và đề nghị tạm ứng chi phí giám định gửi người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định. Đề cương giám định bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
++ Căn cứ thực hiện giám định: quyết định trưng cầu giám định hoặc văn bản yêu cầu giám định; các quy định pháp luật, danh mục các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng và các căn cứ khác (nếu có);
++ Thông tin về tổ chức, cá nhân thực hiện giám định;
++ Thông tin về đối tượng và nội dung giám định; quy trình, phương pháp thực hiện giám định; tên phòng thí nghiệm, danh mục các thiết bị được sử dụng (nếu có); các nội dung cần thiết khác để phục vụ giám định;
++ Thời gian, tiến độ hoàn thành;
++ Dự toán chi phí giám định kèm theo;
+ Người trưng cầu, người yêu cầu giám định tổ chức xem xét, chấp thuận đề cương, dự toán chi phí giám định và tạm ứng chi phí giám định theo đề nghị của tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng. Trường hợp cần thiết, người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có thể thuê tổ chức, cá nhân đủ điều kiện năng lực theo quy định thực hiện thẩm tra đề cương, dự toán chi phí giám định để làm cơ sở chấp thuận. Việc thoả thuận thực hiện giám định giữa người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định và tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng được thể hiện bằng hợp đồng hoặc bằng hình thức văn bản khác theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện giám định
+ Tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng thực hiện giám định theo nội dung đề cương giám định được chấp thuận; kết luận giám định được lập theo quy định tại Điều 32 Luật Giám định tư pháp được sửa đổi, bổ sung tại khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và đáp ứng nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định;
+ Trong quá trình thực hiện, tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng phải lập văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định theo quy định tại Điều 31 Luật Giám định tư pháp được sửa đổi, bổ sung tại khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp;
+ Trường hợp cần bổ sung hồ sơ, tài liệu để phục vụ việc giám định thì tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng có văn bản đề nghị người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định bổ sung. Thời gian từ khi tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng có văn bản đề nghị đến khi nhận được hồ sơ, tài liệu bổ sung không tính vào thời gian giám định. Trường hợp hồ sơ, tài liệu không được bổ sung đủ theo đề nghị thì tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng có quyền từ chối giám định.
- Bàn giao kết luận giám định và thanh toán chi phí giám định
Tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng có trách nhiệm bàn giao kết luận giám định cho người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định và lập thành biên bản. Người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có trách nhiệm thanh toán chi phí giám định cho tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng theo quy định.
- Tham dự phiên tòa
Khi có yêu cầu của tòa án, đại diện tổ chức hoặc cá nhân giám định tư pháp xây dựng tham gia phiên tòa để giải thích các nội dung trong kết luận giám định. Tòa án có trách nhiệm bố trí vị trí phù hợp cho người giám định tư pháp khi tham gia tố tụng tại phiên tòa theo quy định tại khoản 5 Điều 44 Luật Giám định tư pháp được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 26 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và thanh toán chi phí đi lại, chế độ bồi dưỡng cho người giám định tham dự phiên tòa theo quy định của pháp luật về chế độ bồi dưỡng đối với người tham gia phiên tòa.
Trân trọng!