Phân cấp quản lý trường THCS, THPT
1. Phân cấp quản lý trường THCS, THPT
Theo Điều 6 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông Ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định về phân cấp quản lý như sau:
- Trường trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập, Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý.
- Trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng nội dung phối hợp quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục có liên quan của trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông.
- Trường chuyên biệt có quy chế tổ chức và hoạt động riêng thì thực hiện phân cấp quản lý theo quy chế tổ chức và hoạt động của loại trường chuyên biệt đó.
2. Các loại hình và hệ thống trường trung học
- Trường trung học được tổ chức theo hai loại hình: công lập và tư thục.
+ Trường trung học công lập do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập và trực tiếp quản lý. Nguồn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và kinh phí cho chi thường xuyên của trường trung học công lập chủ yếu do ngân sách nhà nước bảo đảm.
+ Trường trung học tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động, được thành lập theo quy định của pháp luật. Nguồn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động của trường trung học tư thục là nguồn ngoài ngân sách nhà nước.
- Trường trung học có một cấp học:
+ Trường trung học cơ sở.
+ Trường trung học phổ thông.
- Trường phổ thông có nhiều cấp học:
+ Trường tiểu học và trung học cơ sở.
+ Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông.
+ Trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
- Trường chuyên biệt và cơ sở giáo dục khác:
+ Trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú.
+ Trường trung học phổ thông chuyên, trường năng khiếu.
+ Trường, lớp dành cho người khuyết tật.
+ Trường giáo dưỡng.
+ Cơ sở giáo dục khác.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật