Hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết lập như thế nào?
Thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm
Căn cứ vào Điều 5 Thông tư 17/2021/TT-BNNPTNT (Có hiệu lực từ 02/02/2022) quy định về thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa là thực phẩm như sau:
Hệ thống truy xuất nguồn gốc bao gồm các nội dung chính sau:
- Phạm vi áp dụng của hệ thống.
- Thủ tục mã hóa, nhận diện nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm trong toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh. Thủ tục mã hóa phải bảo đảm truy xuất được các thông tin cần thiết từ công đoạn sản xuất trước.
- Thủ tục quy định việc ghi chép, nhập số liệu, dữ liệu và lưu trữ hồ sơ trong quá trình sản xuất.
- Thủ tục thẩm tra định kỳ và cập nhật, sửa đổi, bổ sung hệ thống.
- Thủ tục truy xuất nguồn gốc (người thực hiện, nội dung, cách thức, thời điểm triển khai).
- Phân công trách nhiệm thực hiện.
Lưu trữ thông tin truy xuất nguồn gốc thực phẩm
Lưu trữ thông tin truy xuất nguồn gốc thực phẩm được quy định tại Điều 6 Thông tư này như sau:
- Thông tin tối thiểu phải lưu trữ cho mục đích truy xuất nguồn gốc tại mỗi cơ sở đối với từng lô hàng được sản xuất, kinh doanh trong nước:
+ Đối với lô hàng nhận: Tên, địa chỉ và mã số (nếu có) của cơ sở cung cấp lô hàng nhận; thời gian, địa điểm giao nhận; thông tin về lô hàng (tên/chủng loại, khối lượng, mã số nhận diện);
+ Đối với lô hàng sản xuất: Thông tin về lô hàng sản xuất tại từng công đoạn (thời gian sản xuất, tên/chủng loại, khối lượng, mã số nhận diện lô hàng/mẻ hàng);
+ Đôi với lô hàng giao: Tên, địa chỉ và mã số (nếu có) của cơ sở tiếp nhận lô hàng; thời gian, địa điểm giao nhận; thông tin về lô hàng (tên/chủng loại, khối lượng, mã số nhận diện).
- Thông tin tối thiểu phải lưu trữ cho mục đích truy xuất nguồn gốc tại mỗi cơ sở nhập khẩu thực phẩm đối với từng lô hàng thực phẩm nhập khẩu, bao gồm các thông tin quy định tại khoản 1 Điều này và thông tin về cơ sở sản xuất, nước xuất khẩu.
- Hệ thống quản lý dữ liệu, mã hóa các thông tin truy xuất nguồn gốc phải được lưu trữ bằng phương tiện phù hợp bảo đảm thuận lợi cho việc tra cứu và thời gian lưu trữ tối thiểu kể từ ngày sản xuất đối với sản phẩm thực phẩm không yêu cầu bắt buộc ghi hạn sử dụng được quy định như sau:
+ 06 (sáu) tháng đối với thực phẩm nông lâm thủy sản tươi sống;
+ 02 (hai) năm đối với thực phẩm nông lâm thủy sản đông lạnh, chế biến.
- Trường hợp thực phẩm nông lâm thủy sản có ghi hạn sử dụng của sản phẩm, cơ sở phải lưu trữ thông tin truy xuất nguồn gốc trong thời gian tối thiểu là 12 tháng kể từ ngày hết hạn sử dụng của lô sản phẩm.
- Cơ sở kinh doanh bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng không bắt buộc lưu giữ thông tin về khách hàng mua.
Trình tự truy xuất nguồn gốc thực phẩm
Điều 7 Thông tư này có quy định về trình tự truy xuất nguồn gốc thực phẩm như sau:
Cơ sở thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với các trường hợp thực phẩm không bảo đảm an toàn quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật An toàn thực phẩm theo trình tự như sau:
- Xác định lô hàng sản xuất, lô hàng giao cần truy xuất thông qua hồ sơ lưu trữ.
- Tổng hợp, thống kê thông tin về loại thực phần, số lượng thực phẩm của lô thực phẩm đã sản xuất, đã nhập, đã bán và còn tồn kho; danh sách tên, địa chỉ của khách hàng, các đại lý phân phối thực phẩm (nếu có).
- Nhận diện các công đoạn sản xuất liên quan đến lô hàng sản xuất, lô hàng giao phải thực hiện truy xuất nguồn gốc.
- Lập báo cáo kết quả truy xuất nguồn gốc sau khi kết thúc quá trình truy xuất lô hàng sản xuất, lô hàng giao; kết quả thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn theo quy định tại Chương III Thông tư này và báo cáo điều tra nguyên nhân thực phẩm không bảo đảm an toàn, kết quả áp dụng các biện pháp khắc phục theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Thông tư này.
Trân trọng!