Quy định về trong an toàn cháy trong bố trí mặt bằng - không gian đối với nhà công nghiệp
Căn cứ Tiểu mục A.1.3 Mục A.1 Phụ lục A Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình ban hành kèm theo Thông tư 02/2021/TT-BXD Quy định về bố trí mặt bằng - không gian trong an toàn cháy đối với nhà công nghiệp như sau:
A.1.3.1 Đối với các nhà có chiều cao từ cốt mặt đất thiết kế đến thành gờ hoặc mặt trên của tường chắn mái lớn hơn hoặc bằng 10 m thì cứ 40 000 m2 diện tích mặt bằng mái phải có 1 lối lên mái, nếu diện tích mặt bằng mái chưa đủ 40 000 m2 thì vẫn phải bố trí ít nhất 1 lối lên mái. Đối với nhà 1 tầng thì bố trí lối lên mái theo thang thép hở bên ngoài, còn đối với nhà nhiều tầng thì bố trí từ buồng thang bộ.
Đối với các nhà có chiều cao từ cốt mặt đất thiết kế đến mặt sàn trên cùng không quá 30 m và chiều cao của tầng trên cùng không đủ để bố trí buồng thang bộ thoát ra mái, thì cho phép bố trí một thang leo hở bằng thép để thoát nạn từ buồng thang bộ qua mái bằng thang này.
A.1.3.2 Việc bố trí các gian phòng có hạng nguy hiểm cháy khác nhau trong cùng một nhà và ngăn chia giữa chúng phải tuân thủ các yêu cầu về đường thoát nạn và lối ra thoát nạn, thiết bị thoát khói, khoang đệm và khoang đệm ngăn cháy, buồng thang bộ và thang leo cũng như lối ra mái được quy định trong những phần liên quan của quy chuẩn này.
Cho phép bố trí 1 tầng có chức năng làm kho hoặc phòng điều hành bên trong nhà công nghiệp, cũng như 1 tầng có chức năng sản xuất và điều hành bên trong nhà kho nếu bảo đảm được các yêu cầu về khoảng cách phòng cháy chống cháy nêu trong Phụ lục E và các quy định liên quan của quy chuẩn này.
Trong các kho trung chuyển (kho ngoại quan) một tầng có bậc chịu lửa I hoặc II và cấp nguy hiểm cháy kết cấu S0, nếu có các hành lang để thoát nạn được bao bọc bởi các vách ngăn cháy loại 1 và có áp suất không khí dương khi xảy ra cháy thì chiều dài đoạn hành lang đó không phải tính vào độ dài của đường thoát nạn.
A.1.3.3 Khi bố trí kho trong nhà công nghiệp thì diện tích cho phép lớn nhất của kho trong phạm vi một khoang cháy và chiều cao của chúng (số tầng) không được vượt quá các giá trị cho trong Bảng H.7, Phụ lục H.
Khi có các sàn giá đỡ, sàn của giá đỡ cao tầng và sàn lửng có diện tích trên mỗi cao độ vượt quá 40 % diện tích sàn thì diện tích sàn được xác định như đối với nhà nhiều tầng.
A.1.3.4 Khi bố trí chung trong một nhà hoặc một gian phòng các dây chuyền công nghệ có hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ khác nhau thì phải có các giải pháp ngăn chặn sự lan truyền của sự cháy và nổ giữa các dây chuyền đó. Hiệu quả ngăn chặn của các giải pháp đó phải được xem xét đánh giá trong phần công nghệ của dự án. Nếu các giải pháp được lựa chọn không bảo đảm hiệu quả ngăn chặn thì các dây chuyền công nghệ với hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ khác nhau phải được bố trí trong các gian phòng riêng và được ngăn cách phù hợp với các yêu cầu trong Phụ lục E.
A.1.3.5 Khi trong tầng hầm có bố trí các phòng có hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ C1, C2 và C3 thì tầng hầm đó phải được ngăn chia thành các khoang có diện tích không quá 3 000 m2 bằng các vách ngăn cháy loại 1 với chiều dài mỗi cạnh (tính từ mép ngoài của tường) không vượt quá 30 m.
Trong mỗi khoang như vậy phải cấu tạo ít nhất một cửa sổ có chiều rộng không nhỏ hơn 0,75 m và chiều cao không nhỏ hơn 1,2 m, nằm bên trong một hố có chiều rộng không nhỏ hơn 0,3 m và chiều dài không nhỏ hơn 1,8 m để lắp đặt quạt thổi khói ra ngoài. Tổng diện tích của những cửa sổ đó tối thiểu phải đạt 0,2 % của diện tích sàn. Trong những khoang có diện tích lớn hơn 1 000 m2 phải có ít nhất 02 cửa sổ. Sàn tầng phía trên các tầng hầm đó phải có khả năng chịu lửa ít nhất là REI 45.
Các hành lang phải có chiều rộng không nhỏ hơn 2 m dẫn trực tiếp ra ngoài hoặc qua một buồng thang bộ không nhiễm khói. Các gian phòng phải được ngăn cách với hành lang bằng vách ngăn cháy loại 1.
Tầng hầm có hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ C1, C2 hoặc C3 mà theo yêu cầu các dây chuyền công nghệ không thể bố trí gần với tường ngoài thì phải được ngăn chia thành các khoang cháy với diện tích không quá 1 500 m2 và được trang bị hệ thống bảo vệ chống khói phù hợp với Phụ lục D.
A.1.3.6 Các bộ phận công trình của thềm (cầu) xếp dỡ và bộ phận bao che thềm (cầu) xếp dỡ liền kề với các nhà có bậc chịu lửa I, II, III và IV, hạng nguy hiểm cháy là S0 và S1 phải được làm bằng vật liệu không cháy.
A.1.3.7 Thềm (cầu) xếp dỡ hàng hóa và sân ga xếp dỡ phải có ít nhất là 2 thang leo hoặc đường dốc được bố trí cách xa nhau (phân tán).
A.1.3.8 Lựa chọn kết cấu và vật liệu cho nền và lớp phủ sàn nhà kho và gian phòng kho phải tính đến các yếu tố liên quan để bảo đảm ngăn ngừa việc phát sinh ra bụi.
Bề mặt sàn ở những khu vực có nguy cơ hình thành hỗn hợp nổ khí gas, bụi, chất lỏng và các chất khác với nồng độ có thể gây ra nổ hoặc cháy khi gặp tia lửa do va đập của một vật lên sàn hoặc hiện tượng nhiễm tĩnh điện, phải có biện pháp thích hợp để chống nhiễm tĩnh điện và không làm phát sinh tia lửa khi bị va đập.
Những nhà kho cất chứa hàng hóa có nhiệt độ vượt 60 °C thì phải sử dụng sàn chịu nhiệt.
A.1.3.9 Chiều rộng của các nhà kho nhiều tầng, hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ B và C không được lớn hơn 60 m.
A.1.3.10 Phòng kho trong nhà công nghiệp phải được cách li với các loại gian phòng khác theo quy định cụ thể như dưới đây.
Các gian sản xuất, gian kỹ thuật và gian kho (nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F5) có hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ C1 đến C3 được đặt trong nhà ở và nhà công cộng, nếu không có quy định gì khác thì ít nhất phải được ngăn cách với các gian phòng và hành lang khác như sau:
- Với nhà có bậc chịu lửa I ngăn cách bằng vách ngăn cháy loại 1 và sàn ngăn cháy không kém hơn loại 2.
- Với nhà có bậc chịu lửa II, III, IV ngăn cách bằng vách ngăn cháy loại 1 và sàn ngăn cháy không kém hơn loại 3.
Không cho phép đặt gian phòng kho, gian sản xuất, phòng thí nghiệm và tương tự có hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ C1, C2 và C3 hoặc cao hơn trong nhà khác dự kiến có từ 50 người sử dụng đồng thời trở lên.
Các gian phòng sản xuất, phòng kỹ thuật và phòng kho có hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ C4, đặt trong nhà ở hoặc nhà công cộng thì phải được ngăn cách với các phòng khác và hành lang bằng các vách ngăn cháy không kém hơn loại 2.
Các gian kho có hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ C1, C2 và C3 trong nhà công nghiệp phải được ngăn cách với các khu vực khác bằng vách ngăn cháy loại 1 và sàn ngăn cháy không kém hơn loại 3. Đối với các kho cất trữ hàng bằng giá đỡ nhiều tầng phải ngăn cách bằng tường ngăn cháy loại 1 và sàn ngăn cháy loại 1. Đối với những gian phòng kho này, nếu cất giữ thành phẩm có hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ C1, C2 và C3 đặt trong nhà công nghiệp thì phải có tường bao ngoài.
A.1.3.11 Kho cất giữ hàng có hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ C trên giá đỡ nhiều tầng phải được bố trí trong nhà 1 tầng có bậc chịu lửa I đến IV và cấp nguy hiểm cháy kết cấu của nhà S0.
Các giá đỡ hàng phải có sàn đỡ nằm ngang, đặc và làm từ vật liệu không cháy đặt cách nhau không quá 4 m theo chiều cao.
A.1.3.12 Khi chia một gian kho chứa hàng hóa có cùng mức độ nguy hiểm cháy như nhau bằng các vách ngăn theo điều kiện công nghệ hoặc vệ sinh, thì phải nêu rõ các yêu cầu đối với những vách ngăn đó trong phần thuyết minh công nghệ của dự án.
A.1.3.13 Các lỗ cửa sổ của nhà kho phải được đặt thêm tấm cửa mở lật lên trên với tổng diện tích xác định theo tính toán bảo đảm thoát khói khi có cháy.
Trong gian phòng lưu trữ cho phép không cần lắp đặt ô cửa sổ nếu đã có hệ thống thoát khói được tính toán phù hợp với yêu cầu trong Phụ lục D.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn