Nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương bao gồm những gì?
Công cụ nợ là gì?
Luật Quản lý nợ công 2017 không có định nghĩa thế nào là công cụ nợ. Tuy nhiên, Khoản 9 Điều 3 Luật này có quy định: Công cụ nợ bao gồm trái phiếu, tín phiếu Kho bạc, công trái xây dựng Tổ quốc làm phát sinh nghĩa vụ nợ.
Một số thuật ngữ có liên quan:
Trái phiếu Chính phủ là công cụ nợ do Chính phủ phát hành để huy động vốn cho ngân sách nhà nước hoặc cơ cấu lại nợ.
Trái phiếu chính quyền địa phương là công cụ nợ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phát hành để huy động vốn cho ngân sách địa phương.
Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh là công cụ nợ do doanh nghiệp, ngân hàng chính sách của Nhà nước phát hành và được Chính phủ bảo lãnh.
Tín phiếu Kho bạc là công cụ nợ do Kho bạc Nhà nước phát hành, có kỳ hạn không vượt quá 52 tuần.
Công trái xây dựng Tổ quốc là trái phiếu do Chính phủ phát hành nhằm huy động nguồn vốn trong Nhân dân để đầu tư xây dựng công trình quan trọng quốc gia và các công trình thiết yếu khác phục vụ sản xuất, đời sống, tạo cơ sở vật chất, kỹ thuật cho đất nước.
Nghĩa vụ nợ là các khoản gốc, lãi, phí và chi phí khác đến hạn phải trả trong một khoảng thời gian nhất định.
Nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương bao gồm những gì?
- Nợ Chính phủ bao gồm:
+ Nợ do Chính phủ phát hành công cụ nợ;
+ Nợ do Chính phủ ký kết thỏa thuận vay trong nước, nước ngoài;
+ Nợ của ngân sách trung ương vay từ quỹ dự trữ tài chính của Nhà nước, ngân quỹ nhà nước, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
- Nợ được Chính phủ bảo lãnh bao gồm:
+ Nợ của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh;
+ Nợ của ngân hàng chính sách của Nhà nước được Chính phủ bảo lãnh.
- Nợ chính quyền địa phương bao gồm:
+ Nợ do phát hành trái phiếu chính quyền địa phương;
+ Nợ do vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài;
+ Nợ của ngân sách địa phương vay từ ngân hàng chính sách của Nhà nước, quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh, ngân quỹ nhà nước và vay khác theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Nguyên tắc quản lý nợ công
- Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nợ công.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, giải pháp và chính sách về quản lý nợ công.
- Tổ chức thực hiện quản lý nợ công, bao gồm đề xuất, thẩm định, phê duyệt chủ trương vay, đàm phán, ký kết thỏa thuận vay và phát hành công cụ nợ, phân bổ và sử dụng vốn vay, trả nợ và các nghiệp vụ quản lý nợ công.
- Theo dõi, cung cấp thông tin và đánh giá hiệu quả công tác quản lý, sử dụng nợ công.
- Thanh tra, kiểm tra, kiểm toán việc thực hiện pháp luật về quản lý nợ công.
- Khen thưởng, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo về quản lý nợ công.
Trân trọng!
Nguyễn Đăng Huy