Trách nhiệm của UBND các cấp khi điều tra, ứng phó, xử lý ổ dịch Dại được quy định như thế nào?
1. Trách nhiệm Ủy ban nhân dân các cấp khi điều tra, ứng phó, xử lý ổ dịch Dại.
Căn cứ Tiểu mục d Mục 6 Chương II Chương trình quốc gia về Phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030 (ban hành kèm theo Quyết định 2151/QĐ-TTg năm 2021) quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp khi điều tra, ứng phó, xử lý ổ dịch Dại như sau:
- Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức xử lý ổ dịch, tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh Dại; thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dại theo quy định;
- Lập chốt kiểm soát tạm thời trên các trục đường giao thông chính ra vào vùng dịch, vùng khống chế để ngăn chặn không đưa chó, mèo ra ngoài vùng dịch;
- Phối hợp, điều tra xác định hộ nuôi có chó, mèo mắc, nghi mắc bệnh Dại; thành lập tổ giám sát, bắt và xử lý chó, mèo thả rông, chó, mèo chưa được tiêm vắc xin Dại trong vùng đang có ổ dịch Dại;
- Đặt biển báo khu vực có dịch, hướng dẫn người, phương tiện tránh đi qua vùng dịch; phun khử trùng các phương tiện vận chuyển từ vùng dịch đi ra ngoài;
- Xử lý động vật mắc bệnh trong vùng dịch theo quy định; xử lý các trường hợp vi phạm hành chính theo quy định.
- Căn cứ thực tế tình hình dịch bệnh Dại, các địa phương tổ chức tiêm phòng khẩn cấp vắc xin Dại cho chó, mèo bảo đảm đạt 80% tổng đàn trở lên.
2. Trách nhiệm Cơ quan y tế trong chủ trì, phối hợp cơ quan thú y, chính quyền cơ sở khi điều tra, ứng phó, xử lý ổ dịch Dại.
Căn cứ Tiểu mục c Mục 6 Chương II Chương trình quốc gia về Phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030 (ban hành kèm theo Quyết định 2151/QĐ-TTg năm 2021) quy định về trách nhiệm của cơ quan y tế chủ trì, phối hợp với cơ quan thú y, chính quyền cơ sở khi điều tra, ứng phó, xử lý ổ dịch Dại như sau:
- Cơ quan y tế có trách nhiệm hướng dẫn xử lý bệnh nhân tử vong do bệnh Dại, mai táng theo quy định của bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm nhóm B. Người trong gia đình tiếp xúc trực tiếp, cán bộ y tế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cần được điều trị dự phòng;
- Phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương để xác định người cần đi điều trị dự phòng, hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đi điều trị dự phòng tại các cơ sở y tế;
- Thông báo, chia sẻ kịp thời thông tin người bị chó, mèo cắn phải đi điều trị dự phòng tại cơ sở y tế (trong vòng 24 giờ) cho cơ quan thú y địa phương để giám sát, phòng chống bệnh Dại trên động vật; truyền thông, hướng dẫn người bị phơi nhiễm đến các cơ sở y tế để được điều trị dự phòng;
- Phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền cơ sở để xác định người cần đi điều trị dự phòng, hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đi điều trị dự phòng tại các cơ sở y tế; thực hiện các biện pháp chống dịch khác theo quy định hiện hành;
- Thông báo, chia sẻ kịp thời thông tin người bị chó, mèo cắn phải đi điều trị dự phòng tại cơ sở y tế cho cơ quan thú y địa phương để giám sát, phòng chống bệnh Dại trên động vật.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi