Lái xe thuê gây tai nạn, thì ai phải bồi thường?
Lái xe thuê gây tai nạn thì ai là người phải bồi thường?
Căn cứ Điều 601 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:
Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.
2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Như vậy,nếu chủ sở hữu ô tô giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng, thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại này không phụ thuộc vào việc chủ xe có mặt trên chuyến xe đó hay không mà dựa vào việc ai là người đang chiếm hữu, sử dụng chiếc xe đó.
Nếu người gây tai nạn là người được thuê lái xe và được trả tiền công thì lái xe này không phải là người chiếm hữu, sử dụng chiếc xe, mà chủ xe mới là người chiếm hữu, sử dụng, do vậy chủ xe phải là người bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn theo quy định tại Điều 601 Bộ luật dân sự năm 2015, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Xét trong trường hợp bạn là chủ xe thì bạn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn, trách nhiệm của bạn chỉ được loại trừ trong trường hợp thiệt hại xảy ra do lỗi cố ý của người bị nạn hoặc thiệt hại xảy ra thuộc trường hợp bất khả kháng hay tình thế cấp thiết (Khoản 3 Điều 601 Bộ luật dân sự năm 2015).
Lái xe thuê gây tai nạn không phải bồi thường trong trường hợp nào?
Căn cứ Khoản 3 Điều 601 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:
Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:
- Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
- Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Trân trọng!
Lê Bảo Y