Trách nhiệm của chủ nuôi trong việc quản lý chó, mèo phòng chống bệnh dại được quy định ra sao?
1. Trách nhiệm của chủ nuôi trong quản lý chó, mèo phòng chống bệnh dại
Căn cứ Tiểu mục a Mục 2 Chương II Chương trình quốc gia về Phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030 (ban hành kèm theo Quyết định 2151/QĐ-TTg năm 2021) quy định trách nhiệm của chủ nuôi trong việc quản lý chó, mèo phòng chống bệnh dại như sau:
Chủ nuôi chó, mèo có trách nhiệm đăng ký, khai báo nuôi chó, mèo với chính quyền cấp xã; cam kết nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình; chó, mèo khi đưa ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt đề phòng cắn người; nếu để chó, mèo thả rông cắn người thì phải chi trả những chi phí liên quan theo quy định; từng bước áp dụng việc đánh dấu để nhận diện (đeo vòng cổ) cho chó, mèo đã được tiêm vắc xin Dại.
2. Trách nhiệm của chính quyền trong quản lý chó, mèo phòng chống bệnh dại
Căn cứ Tiểu mục b Mục 1 Chương II Chương trình quốc gia về Phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030 (ban hành kèm theo Quyết định 2151/QĐ-TTg năm 2021) quy định trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc quản lý chó, mèo phòng chống bệnh dại như sau:
- Tổ chức quản lý, lập danh sách hộ nuôi chó hoặc sổ quản lý chó, mèo; cập nhật số liệu nuôi tại địa phương trên Hệ thống báo cáo trực tuyến quản lý chó, mèo. Định kỳ tối thiểu 02 lần/năm, báo cáo cập nhật số liệu các hộ nuôi và tổng đàn chó, mèo chi tiết đến cấp xã.
- Căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương để quyết định thành lập đội bắt chó, mèo thả rông, chó không đeo rọ mõm, nghi mắc bệnh Dại, cưỡng chế tiêm vắc xin Dại cho chó, mèo.
- Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành chính trong quản lý nuôi chó, mèo, không tiêm vắc xin Dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi