Hình dạng và kích thước cọc tiêu; tác dụng của cọc tiêu trong giao thông đường bộ như thế nào?

Hình dạng và kích thước cọc tiêu; tác dụng của cọc tiêu trong giao thông đường bộ như thế nào? Và những trường hợp nào cắm cọc tiêu? Nhờ hỗ trợ.

Hình dạng và kích thước cọc tiêu trong giao thông đường bộ

Theo Điều 57 Quy chuẩn QCVN41:2019/BGTVT có quy định về hình dạng và kích thước cọc tiêu trong giao thông đường bộ như sau:

Cọc tiêu có tiết diện là hình vuông, kích thước cạnh tối thiểu 12 cm hoặc hình tròn có tiết diện tối thiểu tương đương; chiều cao cọc tiêu tính từ vai đường đến đỉnh cọc là 70 cm; ở những đoạn đường cong, có thể trồng cọc tiêu thay đổi chiều cao cọc, cao dần từ 40 cm tại tiếp đầu, tiếp cuối đến 70 cm tại phân giác. Phần cọc trên mặt đất được sơn trắng, đoạn 10 cm ở đầu trên cùng có màu đỏ và bằng chất liệu phản quang hoặc phát quang. Trong một số trường hợp có thể sử dụng các cọc tiêu với màu sắc khác nhưng trên cọc tiêu được gắn các tiêu phản quang theo các quy định tại Điều 61.

Tác dụng của cọc tiêu trong giao thông đường bộ

Cọc tiêu hoặc tường bảo vệ đặt ở lề của các đoạn đường nguy hiểm có tác dụng hướng dẫn cho người tham gia giao thông biết phạm vi phần đường an toàn và hướng đi của tuyến đường.

Tường bảo vệ còn có tác dụng hạn chế các phương tiện tham gia giao thông khỏi văng ra khỏi phần đường xe chạy. Tường bảo vệ đồng thời cần có tác dụng dẫn hướng cho lái xe vào ban đêm bằng vạch sơn đứng hoặc tiêu phản quang gắn trên đó.

Các trường hợp cắm cọc tiêu trong giao thông đường bộ

Những trường hợp cắm cọc tiêu:

+ Phía lưng các đường cong nằm từ tiếp đầu đến tiếp cuối. Trong trường hợp có đường cong chuyển tiếp thì bố trí cọc tiêu từ điểm nối đầu đến điểm nối cuối;

+ Các đoạn nền đường bị thắt hẹp;

+ Các đoạn đường có taluy âm cao từ 2 m trở lên;

+ Các đoạn đường men theo sông, suối, đầm, hồ, ao;

+ Các đoạn đường bộ giao nhau với đường sắt cùng mức;

+ Dọc hai bên những đoạn đường bị ngập nước thường xuyên hoặc chỉ ngập theo mùa và hai bên thân đường ngầm, đường tràn;

+ Các đoạn đường qua bãi cát, đồng lầy, đồi cỏ mà khó phân biệt mặt đường phần xe chạy với dải đất hai bên đường.

Không cần bố trí cọc tiêu trong trường hợp phần đường xe chạy đã được phân biệt rõ bởi bó vỉa, vỉa hè hoặc các kết cấu liền kề hoặc khi đã sử dụng tiêu phản quang dạng mũi tên tại các đường cong.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Giao thông đường bộ

Nguyễn Đăng Huy

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào