Công tác phòng, chống thiên tai và khẩn nguy tại cảng hàng không, sân bay có các quy định chung nào?
Quy định chung trong công tác phòng, chống thiên tai và khẩn nguy tại cảng hàng không, sân bay
Căn cứ Điều 96 Thông tư 29/2021/TT-BGTVT (có hiệu lực từ 15/01/2022) hướng dẫn quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành. Các quy định chung trong công tác phòng, chống thiên tai và khẩn nguy tại cảng hàng không, sân bay như sau:
- Công tác phòng, chống thiên tai và khẩn nguy sân bay tại cảng hàng không, sân bay bao gồm:
+ Công tác phòng, chống thiên tai;
+ Công tác khẩn nguy sân bay.
- Công tác phòng, chống thiên tai và khẩn nguy sân bay tại cảng hàng không, sân bay được thực hiện theo quy định về phòng, chống thiên tai, khẩn nguy sân bay tại Thông tư này, tiêu chuẩn áp dụng và hướng dẫn của ICAO.
- Người khai thác cảng hàng không, sân bay chủ trì, phối hợp các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn cảng hàng không, sân bay trong công tác phòng, chống thiên tai tại cảng hàng không, sân bay.
- Người khai thác cảng hàng không, sân bay có trách nhiệm thiết lập trung tâm khẩn nguy sân bay và quy định cụ thể, phân định rõ trách nhiệm của trung tâm hiệp đồng khẩn nguy sân bay trong từng lĩnh vực phòng, chống thiên tai và khẩn nguy sân bay tại cảng hàng không, sân bay.
- Người khai thác cảng hàng không, sân bay bảo đảm các thiết bị, phương tiện tối thiểu phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và khẩn nguy sân bay theo tiêu chuẩn áp dụng; người khai thác cảng hàng không, sân bay được phép huy động thiết bị, phương tiện của các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn cảng hàng không, sân bay.
Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo người khai thác cảng hàng không, sân bay và các doanh nghiệp khác hoạt động tại cảng hàng không, sân bay thiết lập hệ thống cơ sở, lực lượng phòng, chống thiên tai và khẩn nguy sân bay; công tác diễn tập, ký kết văn bản hiệp đồng liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai và khẩn nguy sân bay tại cảng hàng không, sân bay.
Phòng, chống thiên tai tại cảng hàng không, sân bay
1. Trách nhiệm của người khai thác cảng hàng không, sân bay:
- Ban hành và tổ chức thực hiện phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai tại cảng hàng không, sân bay theo quy định;
- Xây dựng, ký kết các văn bản hiệp đồng về công tác phòng, chống thiên tai với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn cảng hàng không, sân bay theo quy định;
- Kiểm tra, rà soát, bổ sung, bảo dưỡng phương tiện, thiết bị phòng, chống thiên tai;
- Kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống chằng néo, neo đỗ tàu bay tại các sân đỗ tàu bay; kiểm tra, tổ chức gia cố các cơ sở, công trình, nhà xưởng, đài trạm;
- Kiểm tra thường xuyên, định kỳ hệ thống thoát nước tại cảng hàng không, sân bay và việc kết nối giữa hệ thống thoát nước nội bộ cảng hàng không, sân bay với hệ thống thoát nước bên ngoài đảm bảo không bị úng ngập trong mùa mưa bão;
- Kiểm tra hệ thống chống sét tại các công trình, nhà ga, đài, trạm tại khu vực cảng hàng không, sân bay.
2. Trách nhiệm của các doanh nghiệp khác hoạt động tại cảng hàng không, sân bay:
- Xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai cụ thể của đơn vị;
- Kiểm tra, rà soát, bổ sung, bảo dưỡng hệ thống thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, các cơ sở, công trình, đài, trạm của đơn vị;
- Phối hợp với người khai thác cảng hàng không, sân bay trong phòng, chống thiên tai và khắc phục hậu quả.
3. Trách nhiệm của cảng vụ hàng không:
Chủ trì, phối hợp người khai thác cảng hàng không, sân bay làm việc với chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác đảm bảo việc thoát nước từ hệ thống thoát nước hiện trạng của cảng hàng không, sân bay với hệ thống thoát nước bên ngoài của địa phương.
Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về vấn đề quy định chung trong công tác phòng, chống thiên tai và khẩn nguy tại cảng hàng không, sân bay theo Thông tư 29/2021/TT-BGTVT (Có hiệu lực từ 15/01/2022). Để tìm hiểu các vấn đề khác liên quan bạn có thể tham khảo các quy định khác của Thông tư này.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn