Khả năng cung cấp vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài quy định thế nào?
Khả năng cung cấp vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài:
Tổng hợp thông tin từ các nhà tài trợ cho thấy quy mô vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài có thể cung cấp cho Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 25,82 tỷ USD (tức khoảng 5,13 tỷ USD/năm), trong đó được phân theo cơ cấu vốn gồm: Vốn vay ODA chiếm khoảng 30,9%, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chiếm khoảng 64,8%, ODA viện trợ không hoàn lại chiếm khoảng 4,3%. Nếu tính thêm lượng vốn chuyển tiếp từ giai đoạn trước, khả năng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài dành cho Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ cao hơn.
- ODA viện trợ không hoàn lại: Dự kiến khoảng 1,12 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2025 (giảm 41% so với 1,9 tỷ USD giai đoạn 2016 - 2020) chủ yếu từ các tổ chức Liên hợp quốc và các nhà tài trợ song phương nhằm ưu tiên hỗ trợ tăng cường năng lực, xây dựng chính sách, thể chế và cải cách; phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; an sinh xã hội hoặc chuẩn bị các dự án đầu tư hoặc đồng tài trợ cho dự án sử dụng vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài nhằm làm tăng thành tố ưu đãi của khoản vay.
- ODA vốn vay: Việt Nam chỉ còn tiếp cận được ODA vốn vay từ một số nhà tài trợ song phương và quỹ tài chính quốc tế. Tổng khả năng cung cấp vốn vay ODA giai đoạn 2021 - 2025 của nhà tài trợ nước ngoài dự kiến khoảng 7,97 tỷ USD (giảm khoảng 21% so với mức 10,07 tỷ USD giai đoạn 2016 - 2020).
- Vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài: Nhìn chung các nhà tài trợ nước ngoài có thể đáp ứng mọi nhu cầu của Việt Nam trong việc sử dụng vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài với tổng lượng vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến khoảng 16,73 tỷ USD (tăng 7,8 lần so với 2,18 tỷ USD giai đoạn 2016 - 2020), trong đó chủ yếu là từ Nhóm 6 Ngân hàng Phát triển (15,75 tỷ USD).
Về điều kiện vay, trong giai đoạn tới, mức độ ưu đãi của khoản vay (lãi suất, thời gian trả nợ và ân hạn,...) thấp hơn so với trước đây song nhìn chung vẫn ưu đãi hơn so với vay thương mại. về vốn vay ODA một số nhà tài trợ song phương vẫn duy trì điều kiện ràng buộc về xuất xứ hàng hóa và dịch vụ từ nước tài trợ song đã có điều chỉnh linh hoạt hơn để các nhà thầu Việt Nam có điều kiện tham gia thực hiện dự án.
Trân trọng!
Lê Bảo Y