Quy định an toàn cho người, phương tiện khi di chuyển trên đường cất hạ cánh, đường lăn
Đảm bảo an toàn cho hoạt đông của người, phương tiện khi di chuyển trên đường cất hạ cánh, đường lăn được quy định tại Điều 33 Thông tư 29/2021/TT-BGTVT (Có hiệu lực từ 15/01/2022) như sau:
- Người và phương tiện khi tham gia hoạt động trên đường cất hạ cánh, đường lăn phải được sự đồng ý và tuân thủ nghiêm hướng dẫn của kiểm soát viên không lưu; đảm bảo liên lạc được thông suốt và liên tục trong quá trình hoạt động.
- Khi nhận được yêu cầu di chuyển ra khỏi đường cất hạ cánh, đường lăn từ đài kiểm soát tại sân bay, người, phương tiện phải nhanh chóng di chuyển đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định so với tim đường cất hạ cánh, đường lăn.
- Người và phương tiện đang di chuyển trên đường lăn phải dừng chờ tại vị trí chờ trên đường lăn trước khi lên đường cất hạ cánh hoặc tại các giao điểm của các đường lăn trừ khi được phép của đài kiểm soát tại sân bay.
- Trong trường hợp mất liên lạc, người điều khiển phương tiện phải:
+ Tìm mọi cách để thiết lập lại liên lạc với kiểm soát viên không lưu;
+ Chủ động quan sát hoạt động trên đường cất hạ cánh, đường lăn và thực hiện việc di dời khỏi đường cất hạ cánh, đường lăn, đảm bảo khoảng cách an toàn đối với tim đường cất hạ cánh, đường lăn và dừng chờ cho đến khi liên lạc hoặc nhận được chỉ dẫn của đài kiểm soát tại sân bay bằng tín hiệu đèn theo quy định;
+ Sử dụng các thiết bị liên lạc cần thiết để liên lạc trực tiếp với người khai thác cảng hàng không, sân bay và đài kiểm soát tại sân bay để thông báo việc di chuyển ra khỏi đường cất hạ cánh, đường lăn và phối hợp xử lý.
Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về vấn đề đảm bảo an toàn cho người, phương tiện khi di chuyển trên đường cất hạ cánh, đường lăn tại sân bay, cảng hàng không được quy định tại Thông tư 29/2021/TT-BGTVT (Có hiệu lực từ 15/01/2022). Để tìm hiểu các vấn đề khác liên quan bạn có thể tham khảo các quy định khác của Thông tư này.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn