Có quyền yêu cầu được bảo vệ khi tố cáo người vi phạm pháp luật?
Theo Điều 50 Luật Tố cáo 2018 có quy định như sau:
Đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ
1. Khi có căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật này thì người tố cáo có văn bản đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ.
2. Văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ;
b) Họ tên, địa chỉ của người tố cáo; họ tên, địa chỉ của người cần được bảo vệ;
c) Lý do và nội dung đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ;
d) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố cáo.
3. Trường hợp khẩn cấp, người tố cáo có thể trực tiếp đến đề nghị hoặc thông qua điện thoại đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ ngay nhưng sau đó nội dung đề nghị phải được thể hiện bằng văn bản.
Theo khoản 3 Điều 47 của Luật này: Khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người quy định tại khoản 1 Điều này đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.
Như vậy, theo quy định của Luật Tố cáo, khi bạn gửi đơn tố cáo tới cơ quan có thẩm quyền thì danh tính của bạn sẽ được bảo mật. Bạn chỉ được áp dụng các biện pháp bảo vệ khi bạn có căn cứ rõ ràng về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của bạn đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại...
Nếu bạn có các căn cứ như trên bạn có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ. Hoặc trong trường hợp bạn cần được bảo vệ khẩn cấp bạn có thể đến trực tiếp hoặc đề nghị qua điện thoại yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn