Quy định về việc kiểm soát chất lượng kiểm toán của Tổ trưởng Tổ kiểm toán

Vui lòng cung cấp cho tôi quy định về việc kiểm soát chất lượng kiểm toán của Tổ trưởng Tổ kiểm toán trong kiểm toán nhà nước? Rất mong sớm nhận được hồi đáp thắc mắc nêu trên.

Kiểm soát chất lượng kiểm toán của Tổ trưởng Tổ kiểm toán quy định tại Điều 41 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 1694/QĐ-KTNN năm 2020, như sau:

1. Mục đích kiểm soát

Kiểm soát chất lượng kiểm toán của Tổ trưởng Tổ kiểm toán nhằm đảm bảo thành viên Tổ kiểm toán tuân thủ Luật KTNN, các chuẩn mực KTNN, Quy trình kiểm toán của KTNN, Quy chế Tổ chức và hoạt động Đoàn KTNN và các quy định khác có liên quan; thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp và đưa ra ý kiến đánh giá, xác nhận xác đáng, đảm bảo chất lượng biên bản kiểm toán và chất lượng kiểm toán của Tổ kiểm toán.

2. Nội dung kiểm soát

Thực hiện kiểm soát các nội dung theo quy định tại Điểm 1.3 Khoản 1 và Điểm 2.1, 2.2, 2.3, 2.4, 2.5, 2.6, 2.7, 2.8 Khoản 2 Điều 9 của Quy chế này.

3. Phạm vi kiểm soát

Phạm vi kiểm soát chất lượng kiểm toán của Tổ trưởng Tổ kiểm toán là các hoạt động kiểm toán của Tổ kiểm toán; hồ sơ kiểm toán, bằng chứng kiểm toán của Tổ kiểm toán.

4. Trách nhiệm, quyền hạn

a) Trách nhiệm

- Thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán theo nội dung, phạm vi quy định tại Khoản 2, 3 Điều này.

- Ghi chép, phản ánh đầy đủ, kịp thời, trung thực tình hình và kết quả kiểm soát vào giấy tờ làm việc, Nhật ký kiểm toán của KTVNN.

- Chịu trách nhiệm về chất lượng kiểm toán của Tổ kiểm toán, chất lượng biên bản kiểm toán của Tổ kiểm toán và việc tuân thủ các quy định về đạo đức nghề nghiệp của các thành viên trong Tổ kiểm toán.

- Chịu trách nhiệm thực hiện và yêu cầu các thành viên Tổ kiểm toán cung cấp đầy đủ, kịp thời các loại báo cáo theo quy định của Quy chế này và quy định khác của KTNN, của đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán, thông tin, tài liệu, hồ sơ, giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan theo yêu cầu của đơn vị, cá nhân có thẩm quyền thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán; ký biên bản làm việc với đơn vị, cá nhân có thẩm quyền thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán.

- Chịu trách nhiệm thu thập, chỉ đạo các thành viên trong Tổ kiểm toán thu thập, quản lý bằng chứng kiểm toán đầy đủ, thích hợp với kết quả, kết luận, kiến nghị kiểm toán.

- Báo cáo Trưởng Đoàn KTNN, Kiểm toán trưởng ngay khi phát hiện các sai sót, hạn chế trong hoạt động kiểm toán; các hành vi vi phạm Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn KTNN, các quy định khác của KTNN để xử lý kịp thời.

- Tổ chức thực hiện các ý kiến kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán trưởng, của KTNN theo sự chỉ đạo của Trưởng Đoàn KTNN.

b) Quyền hạn

- Yêu cầu thành viên Tổ kiểm toán cung cấp thông tin, tài liệu, hồ sơ, giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan đến nội dung, phạm vi kiểm soát chất lượng kiểm toán.

- Từ chối cung cấp theo yêu cầu của đơn vị, cá nhân có thẩm quyền thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán những thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung công việc mà đơn vị, cá nhân đó thực hiện.

- Báo cáo Trưởng Đoàn KTNN về các hành vi vi phạm của các đơn vị, cá nhân có thẩm quyền thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán.

- Đề nghị các đơn vị có liên quan cung cấp thông tin liên quan đến đạo đức nghề nghiệp của KTVNN.

5. Cách thức tổ chức kiểm soát

Trực tiếp kiểm tra, kiểm soát toàn bộ hoạt động kiểm toán, hồ sơ, tài liệu của Tổ kiểm toán và các thành viên của Tổ kiểm toán (hồ sơ kiểm toán và hồ sơ kiểm soát).

6. Trình tự, thủ tục kiểm soát

a) Thực hiện kiểm soát theo tiến độ công việc và theo trình tự phát sinh các tài liệu, giấy tờ làm việc của KTVNN và của Tổ kiểm toán.

b) Phân tích, đánh giá tiến độ thực hiện, khả năng hoàn thành và chất lượng thực hiện nhiệm vụ của mỗi thành viên trong Tổ kiểm toán để có giải pháp khắc phục (nếu có sai sót, hạn chế).

c) Phân tích, xác định rõ những hạn chế, sai sót (nếu có) về nghiệp vụ, chuyên môn và biện pháp khắc phục.

d) Kiểm tra, làm rõ các vi phạm quy định về đạo đức nghề nghiệp (nếu có) của các thành viên trong Tổ kiểm toán để xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý theo qui định.

đ) Chỉ đạo, hướng dẫn các thành viên trong Tổ kiểm toán thực hiện các thủ tục, nội dung kiểm toán, thu thập các bằng chứng kiểm toán cần thiết để đảm bảo chất lượng kiểm toán.

e) Kiểm tra, rà soát tài liệu, giấy tờ làm việc của Tổ kiểm toán trước khi nộp cho Trưởng đoàn đưa vào lưu trữ.

7. Tài liệu để Tổ trưởng Tổ kiểm toán thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán

a) Kế hoạch kiểm toán chi tiết, Kế hoạch kiểm toán chi tiết điều chỉnh, Kế hoạch kiểm tra đối chiếu, Kế hoạch kiểm tra đối chiếu điều chỉnh (nếu có).

b) Nhật ký kiểm toán của KTVNN.

c) Biên bản xác nhận số liệu và tình hình kiểm toán của KTVNN.

d) Dự thảo Biên bản kiểm toán, Biên bản kiểm toán ký với đơn vị, Thông báo kết quả kiểm toán trình phát hành.

đ) Tài liệu, giấy tờ làm việc của thành viên Tổ kiểm toán.

e) Bằng chứng kiểm toán, gồm cả bằng chứng kiểm toán là hồ sơ, tài liệu do đơn vị được kiểm toán lập (bằng chứng chứng minh cho các sai sót, hạn chế của đơn vị và bằng chứng chứng minh đơn vị đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật, tiết kiệm hiệu quả ngân sách, tiền và tài sản nhà nước). Bằng chứng kiểm toán có liên quan đến các phát hiện, kết quả kiểm toán (các thông tin, tài liệu, ghi chép kế toán và các thông tin khác liên quan đến nội dung kiểm toán, kiểm tra, đối chiếu thuế, kiểm tra, đối chiếu khác do kiểm toán viên thu thập; các bản tính toán, phân tích, điều tra, phỏng vấn, phim, ảnh, băng ghi âm, ghi hình… do KTVNN thu thập, lập làm căn cứ để hình thành ý kiến đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị về nội dung được kiểm toán, kiểm tra, đối chiếu thuế, kiểm tra đối chiếu khác; ý kiến của chuyên gia, Biên bản kiểm tra hiện trường, kho, quỹ...).

g) Các tài liệu khác của Tổ kiểm toán (các loại báo cáo, như: báo cáo tiến độ, báo cáo đột xuất,…; biên bản họp Tổ kiểm toán; tờ trình...).

Trân trọng.

 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào