Các cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm như thế nào trong quản lý chất thải y tế?
Căn cứ Điều 15 Thông tư 20/2021/TT-BYT (Có hiệu lực từ 10/01/2022) quy định về trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong quản lý chất thải y tế như sau:
- Trách nhiệm của Cục Quản lý môi trường y tế
+ Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Thông tư này;
+ Ban hành các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế;
+ Đào tạo, tập huấn, phổ biến, truyền thông các quy định về quản lý chất thải y tế cho Sở Y tế, các cơ sở y tế thuộc thẩm quyền quản lý.
- Trách nhiệm của Sở Y tế
+ Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Thông tư này trên địa bàn quản lý;
+ Tổ chức tập huấn, phổ biến, truyền thông các quy định về quản lý chất thải y tế của Thông tư này cho các cơ sở y tế thuộc phạm vi quản lý;
+ Chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc lập kế hoạch quản lý chất thải y tế;
+ Phối hợp với Sở Tài chính đề xuất phân bổ kinh phí đầu tư, nâng cấp, vận hành công trình, thiết bị, hệ thống xử lý chất thải y tế đối với các cơ sở y tế thuộc thẩm quyền quản lý;
+ Báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế theo quy định tại Điều 13 Thông tư này.
- Trách nhiệm của cơ sở y tế
+ Thực hiện quản lý chất thải y tế theo quy định tại Thông tư này và các văn bản pháp luật khác có liên quan;
+ Phân công lãnh đạo cơ sở y tế phụ trách về công tác quản lý chất thải y tế; bố trí cán bộ chuyên trách về công tác quản lý chất thải y tế; giao nhiệm vụ cho khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn hoặc khoa, phòng, bộ phận phụ trách về công tác quản lý chất thải y tế; bố trí người của cơ sở y tế hoặc phối hợp với đơn vị bên ngoài để thực hiện việc vận hành công trình, thiết bị, hệ thống xử lý chất thải y tế phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ (đối với cơ sở y tế tự xử lý chất thải);
+ Xây dựng kế hoạch quản lý chất thải y tế hoặc tích hợp trong kế hoạch hoạt động chung hằng năm của cơ sở y tế; bố trí kinh phí để thực hiện việc quản lý chất thải y tế;
+ Thực hiện việc xác định các loại chất thải phát sinh từ hoạt động của cơ sở y tế để áp dụng biện pháp quản lý phù hợp theo quy định của Thông tư này;
+ Thực hiện yêu cầu về kế hoạch, biện pháp, trang thiết bị phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường do chất thải theo quy định của pháp luật (trong đó bao gồm cả phương án xử lý trong trường hợp lượng chất thải y tế nguy hại gia tăng bất thường do dịch bệnh hoặc lý do bất khả kháng);
+ Tổ chức đào tạo, tập huấn, truyền thông, phổ biến cho viên chức người lao động và các đối tượng có liên quan các quy định về quản lý chất thải y tế;
+ Báo cáo kết quả quản lý chất thải y tế theo quy định tại Điều 13 Thông tư này.
Trân trọng!