Việc kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quy định thế nào?
Căn cứ Mục 7 Chương III Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021 - 2025 (Ban hành kèm theo Quyết định 1930/QĐ-BTTTT năm 2021) quy định về giải pháp thực hiện việc kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm theo chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021 - 2025 như sau:
- Theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị có kế hoạch cụ thể hàng năm thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp sử dụng ngân sách còn lãng phí, không đúng chế độ chính sách, định mức, tiêu chuẩn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về quản lý và sử dụng ngân sách. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện các quy định của pháp luật về các lĩnh vực liên quan đến THTK, CLP.
- Kế hoạch kiểm tra, thanh tra hàng năm, tập trung vào các lĩnh vực: quản lý, sử dụng tài nguyên; các dự án đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; các chương trình mục tiêu quốc gia; mua sắm, trang bị, quản lý, sử dụng phương tiện đi lại; trang thiết bị làm việc; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, thẩm định dự toán các công trình xây dựng cơ bản, xử lý nghiêm các trường hợp chất lượng xây dựng công trình kém, không đúng với dự toán được phê duyệt (trừ được điều chỉnh của cấp có thẩm quyền), chất lượng, tuổi thọ công trình.
- Thực hiện kiểm tra, thanh tra phải gắn với đề xuất, kiến nghị đề sửa đổi kịp thời những quy định, định mức chi tiêu nội bộ, quy trình thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị.
- Phát huy vai trò phản biện, giám sát của các tổ chức đoàn thể, ban thanh tra nhân dân của đơn vị trong công tác THTK, CLP; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở.
- Thực hiện tốt, kịp thời công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại đơn vị, đặc biệt các khiếu nại, tố cáo liên quan đến THTK, CLP và chống tham nhũng.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi