Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 11 năm 2021 đề nghị xây dựng thế nào đối với Luật lưu trữ (sửa đổi)?
Căn cứ Mục 5 Nghị quyết 152/NQ-CP quy định đề nghị xây dựng Luật lưu trữ (sửa đổi) tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 11 năm 2021 như sau:
Chính phủ cơ bản thống nhất về sự cần thiết, quan điểm, mục tiêu xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi) nhằm khắc phục vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới công tác lưu trữ trong điều kiện mới, đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa các tài liệu, tư liệu lưu trữ phù hợp với định hướng phát triển Chính phủ số, xã hội số.
Bộ Nội Vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến Thành viên Chính phủ, hoàn thiện nội dung các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật theo hướng:
- Thống nhất về phạm vi điều chỉnh theo hướng mở rộng lưu trữ tư nhân, tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động lưu trữ; hoàn thiện chính sách về quản lý dịch vụ lưu trữ tư, trưng mua, trưng dụng tài liệu lưu trữ theo hướng hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, các tổ chức và cá nhân trong quản lý, kinh doanh, chia sẻ dữ liệu, tài liệu lưu trữ phù hợp với Hiến pháp, Luật trưng mua, trưng dụng tài sản và pháp luật có liên quan, đồng thời bảo vệ quyền sở hữu tài sản của công dân. Việc lưu trữ lịch sử nhận ký gửi và thu phí ký gửi tài liệu lưu trữ tư cần phù hợp với mục đích khuyến khích chủ sở hữu tài liệu bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ tư.
- Hoàn thiện chính sách về sự tham gia của doanh nghiệp trong lưu trữ tài liệu điện tử nhằm bảo đảm an ninh, an toàn, tính đầy đủ, kịp thời trong việc lưu trữ, chia sẻ dữ liệu; xác định rõ các tiêu chí, tiêu chuẩn thẩm định, trách nhiệm của các doanh nghiệp, của cơ quan thẩm định, bảo đảm khách quan, công khai, công bằng trong công tác thẩm định, công nhận các doanh nghiệp đủ điều kiện cho thuê dịch vụ lưu trữ tài liệu. Việc bổ sung hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trữ vào Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và thu lệ phí đối với hoạt động dịch vụ lưu trữ cần đồng bộ với quy định của Luật Đầu tư và Luật Phí và lệ phí để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
- Về việc thay đổi thẩm quyền cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ từ Sở Nội vụ về Bộ Nội vụ, đề nghị Bộ Nội vụ làm rõ sự cần thiết, cơ sở khoa học, thực tiễn phải thay đổi thẩm quyền này, nhất là trong điều kiện Chính phủ đang đẩy mạnh phân cấp trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.
- Nghiên cứu, rà soát nội dung các chính sách khai thác, chia sẻ sử dụng tài liệu, tư liệu lưu trữ theo hướng vừa bảo đảm phát huy tối đa giá trị của tài liệu, tư liệu lưu trữ, vừa bảo đảm quản lý nhà nước, xử lý hài hòa mối quan giữa Nhà nước và các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực lưu trữ.
Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan, chỉnh lý Báo cáo đánh giá tác động, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật; giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi