Dự án xây dựng trên địa bàn 2 tỉnh thì phải xin giấy phép hoạt động xây dựng ở cơ quan nào?
Theo Khoản 3 Điều 104 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định về thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động xây dựng như sau:
- Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài thực hiện hợp đồng của dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn hai tỉnh trở lên;
- Sở Xây dựng cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài thực hiện hợp đồng của dự án nhóm B, nhóm C được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của tỉnh.
Như vậy, căn cứ quy định trên thì đối với dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn hai tỉnh thì nhà thầu nước ngoài phải hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động xây dựng tại Bộ xây dựng.
Về hồ sơ bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động xây dựng theo Mẫu số 01, Mẫu số 04 Phụ lục IV Nghị định này;
- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử về kết quả đấu thầu hoặc quyết định chọn thầu hợp pháp;
- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử giấy phép thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với tổ chức và chứng chỉ hành nghề (nếu có) của nước nơi mà nhà thầu nước ngoài mang quốc tịch cấp;
- Biểu báo cáo kinh nghiệm hoạt động liên quan đến các công việc nhận thầu và bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử báo cáo tổng hợp kiểm toán tài chính trong 03 năm gần nhất (đối với trường hợp không thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu);
- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử Hợp đồng liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc hợp đồng chính thức hoặc hợp đồng nguyên tắc với nhà thầu phụ Việt Nam để thực hiện công việc nhận thầu (đã có trong hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ chào thầu);
- Giấy ủy quyền hợp pháp đối với người không phải là người đại diện theo pháp luật của nhà thầu;
- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử quyết định phê duyệt dự án hoặc quyết định đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư của dự án/công trình.
Lưu ý: Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động xây dựng phải làm bằng tiếng Việt. Giấy phép thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam và các nước có liên quan là thành viên có quy định về miễn trừ hợp pháp hóa lãnh sự. Các giấy tờ, tài liệu quy định tại các điểm b, c, đ và e khoản 1 Điều này nếu bằng tiếng nước ngoài phải được dịch ra tiếng Việt và bản dịch phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật