Kế toán, thống kê và báo cáo nợ công có đối tượng, nội dung như thế nào?
Đối tượng, nội dung của kế toán, thống kê và báo cáo nợ công của chính phủ, chính quyền địa phương
Căn có Điều 3 Thông tư 99/2021/TT-BTC (Có hiệu lực từ 01/01/2022) quy định đối tượng, nội dung của kế toán, thống kê và báo cáo nợ công của chính phủ, chính quyền địa phương như sau:
- Đối tượng kế toán nợ công là các khoản vay, lãi, phí và chi phí đi vay, trả nợ vay trong nước, vay nước ngoài của Chính phủ và chính quyền địa phương. Nội dung kế toán nợ công là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, giám sát, phân tích và cung cấp thông tin một cách kịp thời, đầy đủ, chính xác, trung thực, liên tục và có hệ thống về tình hình vay, lãi, phí và chi phí đi vay và tình hình trả nợ vay trong nước, vay nước ngoài của Chính phủ và chính quyền địa phương.
- Đối tượng thống kê là các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu của các đơn vị được Chính phủ bảo lãnh và các khoản cho vay lại từ nguồn vay nước ngoài theo quy định của pháp luật. Nội dung công tác thống kê là hoạt động tổng hợp số liệu báo cáo về tình hình bảo lãnh Chính phủ và số liệu báo báo cáo về tình hình cho vay lại trên cơ sở báo cáo của các đơn vị có liên quan.
- Báo cáo nợ công bao gồm các thông tin về vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ; vay, trả nợ trong nước của Chính phủ và chính quyền địa phương; các khoản được Chính phủ bảo lãnh; các khoản cho vay lại từ nguồn vay nước ngoài và các khoản vay khác theo quy định của pháp luật về nợ công; thuyết minh, giải trình về tình hình nợ công.
Tổ chức của đơn vị kế toán nợ công và thống kê các khoản nợ cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ
Căn cứ Điều 4 Thông tư 99/2021/TT-BTC (Có hiệu lực từ 01/01/2022) có quy định về tổ chức bộ phận nghiệp vụ, bộ máy kế toán của đơn vị kế toán nợ công và thống kê các khoản nợ cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ được quy định như sau:
- Cục QLN và TCĐN, KBNN tổ chức bộ phận nghiệp vụ hoặc bộ máy kế toán để thực hiện kế toán đối với các khoản vay, trả nợ của Chính phủ, chính quyền địa phương; thống kê, theo dõi các khoản nợ cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ theo quy định của Luật Kế toán ngày 20/11/2015, Luật Quản lý nợ công ngày 23/11/2017, Nghị định số 94/2018/NĐ-CP của Chính phủ về nghiệp vụ quản lý nợ công, Nghị định số 97/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ, Nghị định số 79/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 97/2018/NĐ-CP và quy định của Thông tư này, như sau:
+ Cục QLN và TCĐN: Tổ chức bộ phận nghiệp vụ và phân công nhiệm vụ các bộ phận có liên quan để kế toán các khoản vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ, thống kê, theo dõi các khoản bảo lãnh Chính phủ; thống kê các khoản nợ cho vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài;
+ KBNN các cấp: Tổ chức bộ máy kế toán và phân công nhiệm vụ các bộ phận có liên quan để kế toán các khoản vay, trả nợ trong nước của Chính phủ và chính quyền địa phương, tổng hợp báo cáo số liệu nợ công.
- Sở Tài chính: Phân công cán bộ theo dõi và tổng hợp báo cáo nợ công của chính quyền địa phương.
Nhiệm vụ của kế toán và tổng hợp báo cáo nợ công của Chính phủ, chính quyền địa phương
Căn cứ Điều 5 Thông tư 99/2021/TT-BTC (Có hiệu lực từ 01/01/2022) có quy định về nhiệm vụ của kế toán và tổng hợp báo cáo nợ công của Chính phủ, chính quyền địa phương như sau:
- Thu thập, ghi chép, xử lý và quản lý dữ liệu về tình hình các khoản vay và tình hình vay, trả nợ trong nước, nợ nước ngoài của Chính phủ và chính quyền địa phương.
- Theo dõi việc chấp hành chế độ thanh toán và các quy định liên quan đến vay, trả nợ của Chính phủ và chính quyền địa phương.
- Chấp hành chế độ báo cáo theo quy định; cung cấp đầy đủ, kịp thời các số liệu, thông tin báo cáo nợ công.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn