Công chứng sơ yếu lý lịch có bắt buộc phải về nơi đăng ký thường trú không?
Công văn 873/HTQTCT-CT năm 2017 có quy định như sau:
Để thực hiện tốt Nghị định số 23/2015/NĐ-CP và chấn chỉnh tình trạng nêu trên, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đề nghị Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục phổ biến, quán triệt và chỉ đạo đến tất cả các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực trên địa bàn (gồm Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, các tổ chức hành nghề công chứng) tuyệt đối không phê nội dung nhận xét về việc chấp hành chủ trương, pháp luật, chính sách, quy định... của Đảng, Nhà nước, địa phương vào Sơ yếu lý lịch của công dân; chỉ thực hiện chứng thực chữ ký của người yêu cầu trên Sơ yếu lý lịch theo đúng quy định tại Mục 3, từ Điều 23 đến Điều 26 của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP.
Theo quy định trên thì việc công chứng sơ yếu lý lịch thực chất chỉ là việc chứng thực chữ ký của người đó trên sở yếu lý lịch mà thôi.
Theo Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP có quy định như sau:
+ “Chứng thực chữ ký” là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực.
+ “Người thực hiện chứng thực” là Trưởng phòng, Phó Trưởng Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; công chứng viên của Phòng công chứng, Văn phòng công chứng; viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự của Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.
Như vậy, căn cứ vào quy định trên bạn có thể trực tiếp công chứng sơ yếu lý lịch tại Văn phòng Công chứng ở Sài gòn mà không bắt buộc phải về nơi đăng ký thường trú.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật