NLĐ bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ không báo trước thì có thể yêu cầu giải quyết, khởi kiện ở đâu?
Điều 187 Bộ luật lao động 2019 quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm: Hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động, Tòa án nhân dân.
Theo quy định tại Điều 188 Bộ luật này thì tranh chấp lao động cá nhân trong trường hợp bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần phải qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động. Các bên có thể trực tiếp khỏi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân hoặc yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động để giải quyết.
- Thẩm quyền giải quyết theo lãnh thổ:
Theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 35 và điểm a Khoản 2 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về lao động.
- Thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu:
Căn cứ, Điểm g Khoản 1 Điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định:
Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết.
Đồng thời, tại Điều 131 Bộ luật lao động 2019 quy định khiếu nại chỉ áp dụng với đối với trường hợp người bị xử lý kỷ luật lao động, bị tạm đình chỉ công việc hoặc phải bồi thường theo chế độ trách nhiệm vật chất nếu thấy không thỏa đáng có quyền khiếu nại với người sử dụng lao động, với cơ quan có thẩm quyền. Do đó, trong trường hợp của bạn không thực hiện khiếu nại được.
Cho nên, trong trường hợp này, căn cứ vào quy định trên bạn có thể yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty có trụ sở hoặc tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi thực hiện hợp đồng lao động để yêu cầu giải quyết.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật