Hủy bỏ văn bản công chứng về đất đai quy định như thế nào?
Theo quy định tại khoản 2, Điều 689, Bộ luật Dân sự “Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật.”
Theo quy định tại khoản 1, Điều 44 Luật Công chứng thì “Việc sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thoả thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó và phải được công chứng.”
Như vậy, nếu có sự thỏa thuận, cảm kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch về nhà đất thì cơ quan có thẩm quyền công chứng mới được hủy bỏ hợp đồng, giao dịch, và phải được công chứng.
TheoĐiều 45, Luật Công chứng “Công chứng viên, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị Toà án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật.”
Như vậy, khi hợp đồng, giao dịch về đất đai đã được công chứng mà không có vi phạm về mặt pháp luật, thì việc hủy bỏ văn bản công chứng phải được thỏa thuận giữa các bên theo khoản 1, Điều 44, Luật Công chứng. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền công chứng có căn cứ cho rằng việc công chứng là vi phạm pháp luật thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản vô hiệu.
Khi có tranh chấp về đất đai, các bên phải thực hiện việc giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự, căn cứ vào kết quả giải quyết tranh chấp của cơ quan có thẩm quyền (được quy định tại Điều 136, Luật Đất đai 2003) để tiến hành thực hiện các thủ tục theo quy định. Trường hợp các bên thỏa thuận hủy hợp đồng đã công chứng, thì khi có văn bản hủy bỏ hợp đồng, giao dịch có công chứng Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trả lại hồ sơ đã nhận.
Thư Viện Pháp Luật