Xác lập quyền sở hữu đối với gia cầm bị thất lạc

Gia đình bà Thuận nuôi vịt để tăng thu nhập. Khi lùa vịt về, bà Thuận phát hiện đã có thêm hơn chục con vịt khác nhập vào đàn vịt nhà bà. Bà Thuận đã đi hỏi các gia đình có nuôi vịt gần đó và báo với UBND xã nhưng không thấy gia đình nào báo mất vịt. Bà Thuận đã nuôi ghép số vịt đó cùng đàn vịt của nhà mình. Thời gian sau, ông Tư ở thôn bên đến tìm bà Thuận và nói rằng, số vịt đó là của nhà ông bị lạc nên muốn nhận lại. Bà Thuận không đồng ý trả lại vịt cho ông Tư vì bà đã có công chăm sóc chúng gần hai tháng. Giữa hai bên xảy ra mâu thuẫn và cùng lên UBND xã để yêu cầu được giải quyết. Vậy, UBND xã phải giải quyết như thế nào? Gửi bởi: Admin Portal

Giữa ông Tư và bà Thuận đã xảy ra tranh chấp về số vịt bị thất lạc. ở tình huống này, cần phải xem xét về việc xác lập quyền sở hữu đối với số gia cầm nói trên.
Để giải quyết tình huống trên, cán bộ UBND xã cần vận dụng các quy định tại Điều 243 Bộ luật Dân sự năm 2005. Theo đó, trong trường hợp gia cầm của một người bị thất lạc, mà người khác bắt được thì người bắt được phải thông báo công khai để chủ sở hữu gia cầm biết mà nhận lại. Chủ sở hữu nhận lại gia cầm bị thất lạc phải thanh toán tiền công nuôi giữ và các chi phí khác cho người bắt được.
Trong trường hợp này, bà Thuận đã báo với UBND xã về số vịt lạc đàn nên trách nhiệm thông báo công khai thuộc về UBND xã.
Theo Điều 243 Bộ luật Dân sự năm 2005, thì sau một tháng, kể từ ngày thông báo công khai mà không có người đến nhận thì số vịt đó thuộc sở hữu của bà Thuận.
Thời điểm ông Tư đến gặp bà Thuận để đòi lại số vịt bị thất lạc là đã gần 2 tháng. Do vậy, trong trường hợp này, bà Thuận không phải trả lại số vịt đó cho ông Tư.

 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào