Giải quyết tranh chấp về đường thoát nước thải sinh hoạt
Đây là mâu thuẫn phát sinh trong đời sống nhân dân do tranh chấp về đường thải nước sinh hoạt. Vụ việc trên cho thấy mâu thuẫn giữa gia đình ông Cao và gia đình ông Sềnh đã ở mức độ trầm trọng, nên nhận được thông tin từ Trưởng thôn, UBND xã cần khẩn trương can thiệp bằng việc tổ chức hoà giải giữa các bên.
Để định hướng cho việc tiến hành hoà giải, cán bộ UBND trực tiếp tham gia hoà giải phải nắm vững các quy định có liên quan của Bộ luật Dân sự để làm căn cứ giải thích, thuyết phục các bên mâu thuẫn, đồng thời, có thể gợi ý phương án giải quyết mâu thuẫn giữa hai gia đình, cụ thể như sau:
Về nghĩa vụ của gia đình ông Cao trong việc xử lý đường thoát nước thải: Theo quy định về nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước thải tại Điều 270 Bộ luật Dân sự, thì chủ sở hữu nhà phải làm cống ngầm hoặc rãnh thoát nước để đưa nước thải ra nơi quy định, sao cho nước thải không chảy tràn sang bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề, ra đường công cộng hoặc nơi sinh hoạt công cộng làm ô nhiễm môi trường. Căn cứ vào quy định này, UBND cần phân tích để ông Cao hiểu rõ về việc xử lý đường thoát nước thải không để nước thải sinh hoạt chảy tràn sang hộ gia đình liền kề hoặc gây ô nhiễm ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt công cộng.
Về nghĩa vụ của gia đình ông Sềnh trong việc tạo điều kiện sinh hoạt cho chủ sở hữu bất động sản liền kề: Theo quy định về quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề tại Điều 273 Bộ luật Dân sự năm 2005, thì chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất có quyền sử dụng bất động sản liền kề thuộc sở hữu của người khác để bảo đảm nhu cầu của mình về lối đi, cấp, thoát nước, cấp khí ga, đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý, nhưng phải đền bù, nếu không có thoả thuận khác.
Đồng thời, Điều 277 Bộ luật Dân sự cũng quy định về quyền cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề như sau: Trong trường hợp do vị trí tự nhiên của bất động sản mà việc cấp, thoát nước buộc phải qua một bất động sản khác thì chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua phải dành một lối cấp, thoát nước thích hợp, không được cản trở hoặc ngăn chặn dòng nước chảy. Người sử dụng lối cấp, thoát nước phải hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua khi lắp đặt đường dẫn nước; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trong trường hợp nước tự nhiên chảy từ vị trí cao sang vị trí thấp mà gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua thì người sử dụng lối cấp, thoát nước không phải bồi thường thiệt hại.
Nguyên tắc tiến hành hoà giải: Đây là mâu thuẫn phát sinh trong đời sống dân cư, nên UBND cần đề cao việc áp dụng biện pháp tự hoà giải giữa các bên. Đồng thời, khi tiến hành hoà giải phải tuân thủ các nguyên tắc chung được quy định trong Pháp lệnh về Tổ chức hoà giải ở cơ sở, đó là:
- Phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội và phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; tôn trọng sự tự nguyện của các bên;
- Không bắt buộc, áp đặt các bên tranh chấp phải tiến hành hoà giải;
- Khách quan, công minh, có lý, có tình; giữ bí mật thông tin đời tư của các bên tranh chấp;
- Tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng;
- Kịp thời, chủ động, kiên trì nhằm ngăn chặn vi phạm pháp luật, hạn chế những hậu quả xấu khác có thể xảy ra và đạt được kết quả hoà giải.
Thư Viện Pháp Luật