Đào đất kiểm tra, xử lý tín hiệu đến độ sâu 0,3 m được quy định như thế nào?
Điều 22 Quy trình kỹ thuật điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn vật nổ ban hành kèm theo Thông tư 121/2021/TT-BQP (Có hiệu lực thi hành từ 05/11/2021) quy định về đào đất kiểm tra, xử lý tín hiệu đến độ sâu 0,3 m như sau:
1. Trường hợp áp dụng: tín hiệu đã được phát hiện và đánh dấu.
2. Trang bị: trang thiết bị bảo vệ người, máy dò mìn, thuốn, xẻng, dao găm; chốt an toàn; dụng cụ thu gom.
3. Trình tự thực hiện:
a) Dùng máy dò mìn và thuốn kiểm tra tại vị trí tín hiệu đã đánh dấu, xác định chính xác vị trí và kích thước tín hiệu. Dùng xẻng đào hố có kích thước tùy theo độ lớn và độ sâu của tín hiệu (thông qua phán đoán khi kiểm tra bằng máy dò), thận trọng bóc dần từng lớp đất từ trên xuống và từ mép vào tim hố, vừa đào vừa kiểm tra. Khi thấy tín hiệu thì dùng dụng cụ cầm tay để bới đất cho lộ hẳn vật gây tín hiệu;
b) Kiểm tra xác định vật gây tín hiệu, nếu không phải là BMVN thì thu gom về nơi quy định; nếu là BMVN có khả năng xử lý tại chỗ an toàn thì xử lý, thu gom về nơi quy định. Trường hợp tín hiệu là BMVN không an toàn cho thu gom, vận chuyển hoặc vật nổ lạ thì đánh dấu lại để hủy tại chỗ vào cuối buổi thi công (đối với các loại bom lớn phải có kế hoạch xử lý riêng);
c) Sau khi đã xử lý xong tín hiệu, phải dùng máy dò kiểm tra lại xung quanh và phía dưới vị trí tín hiệu vừa xử lý để đảm bảo sạch hết tín hiệu. Nếu còn tín hiệu thì phải tiến hành xử lý theo quy định tại điểm a, điểm b khoản này.
--------------------------------
Lưu ý về quy ước viết tắt:
1. Bom mìn vật nổ: BMVN.
2. Điều tra: ĐT.
3. Khảo sát: KS.
4. Rà phá bom mìn vật nổ: RPBM.
5. Điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn vật nổ: ĐT, KS, RPBM.
Trân trọng!
Nguyễn Đăng Huy