Dọn mặt bằng trong hoạt động rà phá bom mìn trên cạn được quy định như thế nào?

Dọn mặt bằng trong hoạt động rà phá bom mìn trên cạn được quy định như thế nào? Nhờ hỗ trợ quy định mới.

Điều 19 Quy trình kỹ thuật điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn vật nổ ban hành kèm theo Thông tư 121/2021/TT-BQP (Có hiệu lực thi hành từ 05/11/2021) quy định về dọn mặt bằng trong hoạt động rà phá bom mìn trên cạn như sau:

1. Nội dung công việc.

a) Phát dọn sạch dây leo, cỏ rác, cây có đường kính từ 10 cm trở xuống (gốc cây còn lại không cao quá 5 cm), cây có đường kính lớn hơn 10 cm chỉ được chặt phá khi có tín hiệu phải xử lý nằm dưới gốc cây;

b) Thu dọn các chướng ngại vật trên toàn bộ mặt bằng phải đưa ra khỏi phạm vi thi công RPBM;

c) Kiểm tra, xử lý thu dọn sạch tín hiệu trên mặt đất.

2. Dọn mặt bằng bằng thủ công khu vực là bãi mìn

a) Trường hợp áp dụng: các khu vực là bãi mìn còn sót lại sau chiến tranh hoặc mìn mới bố trí;

b) Trang bị gồm: thiết bị bảo vệ người; dao phát, dụng cụ làm tay; trang bị kiểm tra BMVN; máy dò mìn; cọc tiêu, biển báo, dao, kéo cắt cây;

c) Trình tự thực hiện:

- Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, căn cứ vào các mốc dấu và hành lang an toàn, tiến hành triển khai đội hình;

- Phát dọn mặt bằng đồng thời với dò tìm đến độ sâu 0,07 m theo đúng yêu cầu kỹ thuật, di chuyển các chướng ngại vật ra khỏi vị trí thi công RPBM trong ngày.

3. Dọn mặt bằng bằng thủ công khu vực không phải là bãi mìn

a) Trường hợp áp dụng: các khu vực phải RPBM thuộc mọi loại địa hình;

b) Trang bị gồm: thiết bị bảo vệ người, máy cắt cỏ, dao phát và dụng cụ làm tay; trang bị kiểm tra BMVN; cọc dấu, biển báo;

c) Trình tự thực hiện:

- Đóng cọc chia nhỏ khu vực thành các ô có kích thước khoảng (25x25) m hoặc (50x50) m tùy theo địa hình khu vực (chiều dài 25 m hoặc 50 m, kích thước tùy theo chiều rộng của khu vực thi công RPBM);

- Phát dọn mặt bằng sạch cây theo đúng yêu cầu kỹ thuật, di chuyển các chướng ngại vật ra khỏi vị trí thi công RPBM trong ngày.

4. Dọn mặt bằng bằng thủ công kết hợp đốt bằng xăng, dầu

a) Trường hợp áp dụng: các khu vực có hoặc không có bãi mìn nhưng có nhiều cây, dây leo khi được cơ quan có thẩm quyền quản lý rừng của khu vực cho phép;

b) Trang bị gồm: thiết bị bảo vệ người, dao phát và dụng cụ làm tay; trang bị kiểm tra BMVN; cọc tiêu, biển báo; xăng, dầu và dụng cụ phun xăng dầu;

c) Trình tự thực hiện:

- Phát dọn cây, dây leo mở các đường có chiều rộng từ 2 m đến 4 m để chia nhỏ khu vực thành các ô có kích thước (25x25) m hoặc (50x50) m tùy theo địa hình khu vực (chiều dài 25 m hoặc 50 m, kích thước tùy theo chiều rộng của khu vực thi công RPBM);

- Phun xăng, dầu đốt hết cây, dây leo trong từng ô vào thời điểm thích hợp;

- Phát dọn cây và đưa chướng ngại vật ra ngoài khu vực RPBM trong từng ô (tiến hành đồng thời với bước RPBM đến độ sâu 0,07 m hoặc 0,3 m tại cùng một điểm đứng).

5. Dọn mặt bằng bằng thủ công kết hợp với thuốc nổ

a) Trường hợp áp dụng: khu vực là bãi mìn có hàng rào dây thép gai nguy hiểm khi được cấp có thẩm quyền cho phép.

b) Trang bị và vật tư chủ yếu: thiết bị bảo vệ người, dao phát và dụng cụ làm tay; trang bị kiểm tra BMVN; cọc dấu, biển báo; thuốc nổ, hỏa cụ, khí tài gây nổ và các vật tư khác.

c) Trình tự thực hiện:

- Dùng lượng nổ dài để phá hàng rào hoặc khu vực nguy hiểm; mở đường công vụ có chiều rộng từ 2 m đến 4 m, đóng cọc chia nhỏ khu vực thành các ô có kích thước (25 m x 25 m) hoặc (50 m x 50 m) tùy theo địa hình khu vực (kích thước chiều dài 25 m hoặc 50 m, chiều rộng tùy theo chiều rộng của khu vực thi công RPBM).

- Phát dọn cây, chướng ngại vật đưa ra ngoài khu vực RPBM trong từng ô (tiến hành đồng thời với bước RPBM đến độ sâu 0,07 m hoặc 0,3 m tại cùng một điểm đứng), đối với khu vực là bãi mìn.

--------------------------------

Lưu ý về quy ước viết tắt:

1. Bom mìn vật nổ: BMVN.

2. Điều tra: ĐT.

3. Khảo sát: KS.

4. Rà phá bom mìn vật nổ: RPBM.

5. Điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn vật nổ: ĐT, KS, RPBM.

Trân trọng!

Nguyễn Đăng Huy

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào