Điều tra ô nhiễm bom mìn vật nổ được quy định như thế nào?
Điều 9 Quy trình kỹ thuật điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn vật nổ ban hành kèm theo Thông tư 121/2021/TT-BQP (Có hiệu lực thi hành từ 05/11/2021) quy định về điều tra ô nhiễm bom mìn vật nổ như sau:
1. Trường hợp áp dụng: khu vực ô nhiễm nhưng chưa xác định mức độ, phạm vi ô nhiễm và khu vực nghi ngờ ô nhiễm BMVN.
2. Trang bị gồm:
a) Phương tiện chở người (ô tô đến 16 chỗ, xe máy và các phương tiện khác);
b) Thiết bị định vị vệ tinh cầm tay (GPS);
c) Máy tính xách tay, máy tính bảng;
d) Bộ dụng cụ đo vẽ bản đồ và bản đồ khổ A3 (bản đồ VN 2000 địa hình tỷ lệ phù hợp với các lớp dữ liệu bao gồm 6 chủ đề chính: Địa hình, thủy hệ, giao thông, dân cư, thực vật và hành chính);
đ) Trang thiết bị y tế.
3. Trình tự thực hiện:
a) Thu thập, phân tích, đánh giá thông tin lưu trữ gồm:
- Kết quả dự án ĐT, KS, RPBM đã được thực hiện tại địa phương; báo cáo về kết quả RPBM và thông tin về các loại BMVN được phát hiện trong khu vực lân cận. Các thông tin trên phải được kiểm chứng và xác nhận nguồn cung cấp;
- Dữ liệu quốc gia về BMVN được lưu trữ tại Trung tâm Cơ sở dữ liệu bom mìn quốc gia/VNMAC
b) Thông tin phỏng vấn lãnh đạo địa phương:
- Thực hiện phỏng vấn ít nhất đối với 05 cán bộ cấp xã, phường (đại diện lãnh đạo của Ủy ban nhân dân, phụ trách quân sự, phụ trách công an, cán bộ địa chính, cán bộ thống kê) và 2 cán bộ cấp thôn theo Mẫu ĐT-02, Mẫu ĐT-03, Mẫu ĐT-04 Phụ lục I ban hành kèm theo Quy trình này.
- Quá trình phỏng vấn, trường hợp người phỏng vấn phát hiện khu vực bị ô nhiễm, khu vực nghi ngờ bị ô nhiễm, khu vực đã được rà phá thì đề nghị xác định cụ thể trên bản đồ.
c) Thông tin phỏng vấn các hộ gia đình:
- Tổ điều tra thực hiện phỏng vấn ghi chép các câu trả lời của nhân chứng đại diện cho từng hộ gia đình theo Mẫu ĐT-05 Phụ lục I ban hành kèm theo Quy trình này; tỷ lệ phỏng vấn đối với các hộ gia đình tại khu vực dự án tối thiểu là 50% đối với khu vực miền núi, trung du và 25% đối với đồng bằng, đô thị.
- Quá trình phỏng vấn, cán bộ phỏng vấn thu thập thông tin về tình hình khu vực bị ô nhiễm, khu vực nghi ngờ bị ô nhiễm, khu vực đã được rà phá và đánh dấu, khoanh tròn trên bản đồ xã (tỷ lệ không nhỏ hơn 1:500) các khu vực còn ô nhiễm BMVN; các vị trí bị bắn phá (bằng không quân, tàu chiến) và giao tranh trên mặt đất; vị trí là căn cứ, kho quân sự trước đây; vị trí mà nhân chứng đã thấy BMVN; vị trí chôn (tập kết) BMVN do người dân thu gom được; vị trí xảy ra tai nạn đối với người, vật nuôi do BMVN gây ra. Mỗi nạn nhân tai nạn do BMVN gây ra, cán bộ điều tra lập thành một phiếu thông tin theo Mẫu ĐT-06 Phụ lục I ban hành kèm theo Quy trình này.
d) Quan sát thực địa:
Trên cơ sở những thông tin thu thập được quy định tại điểm c khoản này, tổ điều tra tiến hành quan sát tại thực địa để xác định tại chỗ về khu vực bị ô nhiễm, khu vực nghi ngờ bị ô nhiễm, khu vực đã được rà phá và đánh dấu vào bản đồ.
--------------------
Lưu ý về quy ước viết tắt:
1. Bom mìn vật nổ: BMVN.
2. Điều tra: ĐT.
3. Khảo sát: KS.
4. Rà phá bom mìn vật nổ: RPBM.
5. Điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn vật nổ: ĐT, KS, RPBM.
Trân trọng!
Nguyễn Đăng Huy