Văn bản điện tử đã được sao y chữ ký số khi in ra văn bản giấy có giá trị hay không?

Tôi có thắc mắc là khi chuyển đổi văn bản điện tử (đã được ký sao y bằng ký số bởi UBND xã) sang văn bản giấy thì có cần phải đem đi công chứng lại ở cơ quan tư pháp hoặc xã phường không? Nếu in ra như vậy đã đủ hợp lệ hợp pháp chưa? Xin cảm ơn.

Văn bản điện tử đã được sao y chữ ký số khi in ra văn bản giấy có giá trị hay không?

Tại khoản 8, khoản 9 Điều 3 Nghị định 45/2020/NĐ-CP có quy định như sau:

Giải thích từ ngữ
...
8. Cấp bản sao điện tử từ sổ gốc: là việc cơ quan, tổ chức đang quản lý sổ gốc, căn cứ vào sổ gốc để cấp bản sao điện tử. Bản sao điện tử từ sổ gốc có nội dung đầy đủ, chính xác như nội dung ghi trong sổ gốc.
9. Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính: là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính dạng văn bản giấy để chứng thực bản sao bằng hình thức điện tử là đúng với bản chính.
...

Từ các căn cứ trên, có thể hiểu, văn bản điện tử đã được sao y chữ ký số là văn bản điện tử đã được chứng thực bản sao từ bản chính. Bản sao văn bản điện tử này có giá trị khi tồn tại dưới dạng điện tử.

Bản chính dùng để chứng thực bản sao điện tử này là dạng văn bản giấy.

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Nghị định 30/2020/NĐ-CP quy định về các hình thức bản sao như sau:

Các hình thức bản sao
1. Sao y gồm: Sao y từ văn bản giấy sang văn bản giấy, sao y từ văn bản điện tử sang văn bản giấy, sao y từ văn bản giấy sang văn bản điện tử.
a) Sao y từ văn bản giấy sang văn bản giấy được thực hiện bằng việc chụp từ bản gốc hoặc bản chính văn bản giấy sang giấy.
b) Sao y từ văn bản điện tử sang văn bản giấy được thực hiện bằng việc in từ bản gốc văn bản điện tử ra giấy.
c) Sao y từ văn bản giấy sang văn bản điện tử được thực hiện bằng việc số hóa văn bản giấy và ký số của cơ quan, tổ chức.

Tại khoản 10 Điều 3 Nghị định 30/2020/NĐ-CP quy định về giải thích từ ngữ như sau:

Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
10. “Bản sao y” là bản sao đầy đủ, chính xác nội dung của bản gốc hoặc bản chính văn bản, được trình bày theo thể thức và kỹ thuật quy định.

Căn cứ theo quy định tại Điều 26 Nghị định 30/2020/NĐ-CP quy định về giá trị pháp lý của bản sao như sau:

Giá trị pháp lý của bản sao
Bản sao y, bản sao lục và bản trích sao được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định này có giá trị pháp lý như bản chính.

Theo đó, hiện nay có tồn tại hình thức sao y từ văn bản điện tử sang văn bản giấy và bản sao y này có giá trị pháp lý như bản chính.

Lưu ý: Việc sao y này phải được thực hiện từ việc in từ bản gốc văn bản điện tử ra giấy.

Từ các lập luận trên, có thể khẳng định rằng, việc dùng văn bản điện tử đã được sao y chữ ký số (hay có thể hiểu là văn bản điện tử đã được chứng thực bản sao từ bản chính) in ra bản giấy sẽ không có giá trị pháp lý vì đây không phải là bản gốc văn bản điện tử.

Chính vì vậy, văn bản điện tử đã được sao y chữ ký số khi in ra văn bản giấy sẽ không có giá trị về mặt pháp lý.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Văn bản điện tử

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào