Xử lý tài sản đặt cọc
Theo quy định tại Điều 358 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quý, đã quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự. Việc đặt cọc phải được lập thành văn bản.
Trong trường hợp hợp đồng dân sự không được giao kết, thực hiện thì tùy từng trường hợp cụ thể, tài sản đặt cọc được giải quyết như sau:
- Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc;
- Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trong giao dịch anh vừa nêu, anh là bên nhận đặt cọc nên anh có nghĩa vụ thực hiện giao dịch đã cam kết. Theo quy định tại khoản 1 Điều 302 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì “Bên có nghĩa vụ mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền”.
Trách nhiệm của bên nhận đặt cọc đã được quy định ngay tại Điều 358 nói trên, cụ thể là anh phải trả lại cho bên đặt số tiền 80 triệu đồng đã nhận; đồng thời anh còn phải trả cho bên đặt cọc thêm một khoản tiền là 80 triệu đồng nữa, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác hoặc bên đặt cọc từ chối nhận khoản tiền “phạt cọc”.
Nguồn: Công ty Luật Vinabiz/ Nguoiduatin.vn
Thư Viện Pháp Luật