Những nguyên tắc chuyển nhượng vốn đầu tư của Công ty TNHH một thành viên Mua bán nợ Việt Nam
Nguyên tắc chuyển nhượng vốn đầu tư của Công ty TNHH một thành viên Mua bán nợ Việt Nam quy định tại Khoản 1 Điều 11 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 62/2021/TT-BTC, cụ thể như sau:
- Việc chuyển nhượng các khoản vốn đầu tư của Công ty (bao gồm cả việc chuyển nhượng quyền mua cổ phần, quyền góp vốn vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên) tuân thủ theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp; pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; pháp luật về chứng khoán; Điều lệ của doanh nghiệp có vốn góp của Công ty, các cam kết của các bên tại các hợp đồng liên doanh, liên kết và các quy định của pháp luật có liên quan;
- Việc chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài của Công ty phải căn cứ vào danh mục chuyển nhượng vốn được Bộ Tài chính phê duyệt; không phân biệt mức vốn đầu tư, kết quả kinh doanh lãi, lỗ của doanh nghiệp có vốn góp DATC; việc tổ chức thực hiện chuyển nhượng vốn, lập hồ sơ chuyển nhượng vốn, thực hiện công bố thông tin chuyển nhượng vốn, báo cáo kết quả chuyển nhượng vốn thực hiện theo quy định của pháp luật;
- Tại thời điểm xây dựng phương án chuyển nhượng vốn (bao gồm cả chuyển nhượng vốn kèm nợ), giá trị chuyển nhượng dự kiến thu được thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách kế toán và Công ty đã thực hiện trích lập dự phòng thì xử lý như sau:
+ Nếu khoản trích lập dự phòng bằng hoặc lớn hơn chênh lệch giữa giá trị dự kiến thu được so với giá trị ghi trên sổ sách kế toán thì Hội đồng thành viên hoặc Tổng Giám đốc Công ty quyết định chuyển nhượng theo thẩm quyền để thu hồi vốn đầu tư;
+ Nếu khoản trích lập dự phòng vẫn nhỏ hơn chênh lệch giữa giá trị ghi trên sổ kế toán với giá trị chuyển nhượng dự kiến thu được thì Hội đồng thành viên hoặc Tổng Giám đốc Công ty quyết định thực hiện chuyển nhượng sau khi báo cáo Bộ Tài chính cho ý kiến bằng văn bản.
Trân trọng.
Thư Viện Pháp Luật