Quy định về quản lý, sử dụng kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công
Quản lý, sử dụng kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công được quy định tại Điều 5 Thông tư 65/2021/TT-BTC, cụ thể như sau:
1. Việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước; Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước; Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2016 quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước; Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày 22 tháng 6 năm 2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước; Thông tư của Bộ Tài chính về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước hàng năm.
2. Thông tư này hướng dẫn thêm một số quy định đối với kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa công trình, thiết bị công trình xây dựng như sau:
a) Khi phân bổ dự toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa công trình, thiết bị công trình xây dựng, hồ sơ tài liệu kèm theo gồm: Quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền và các hồ sơ liên quan (nếu có); thuyết minh cụ thể các nội dung: Tiêu chuẩn định mức kinh tế - kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa; tên tài sản công cần bảo dưỡng, sửa chữa; thời gian bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công gần nhất; lý do, mục tiêu, khối lượng bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công; kinh phí phân bổ; dự kiến thời gian thực hiện và thời gian hoàn thành;
b) Khi kiểm soát chi, tạm ứng, thanh toán kinh phí sửa chữa công trình, thiết bị công trình xây dựng: Thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 35 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng; cụ thể:
- Đối với trường hợp sửa chữa công trình, thiết bị công trình xây dựng có dự toán chi phí sửa chữa dưới 500 triệu đồng: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý tài sản công phê duyệt kế hoạch sửa chữa, trong đó thuyết minh đầy đủ các nội dung nêu tại điểm a khoản 2 Điều này;
- Đối với trường hợp sửa chữa công trình, thiết bị công trình xây dựng có dự toán chi phí sửa chữa từ 500 triệu đồng trở lên: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý tài sản công tổ chức lập, trình thẩm định và phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật hoặc dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình.
3. Kinh phí lập kế hoạch sửa chữa, xây dựng báo cáo kinh tế kỹ thuật, xây dựng dự toán bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công được sử dụng trong dự toán ngân sách nhà nước được giao hàng năm của cơ quan, đơn vị.
Trân trọng.
Thư Viện Pháp Luật