Có được làm tròn năm đóng BHXH khi nhận 1 lần?
Theo Khoản 4 Điều 19 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định về bảo hiểm xã hội một lần, trong đó:
Khi tính mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm, từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.
Trường hợp tính đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2014 nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 trở đi để làm căn cứ tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Như vậy, trường hợp chị làm hồ sơ để hưởng BHXH 1 lần mà chị có thời gian đóng BHXH 1 năm 9 tháng thì 09 tháng lẻ sẽ được tính là 01 năm. Do đó, chị sẽ được làm tròn lên 02 năm đóng BHXH.
Ví dụ: Ông T có thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 16 năm 4 tháng (trong đó 10 năm 02 tháng đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 01/01/2014). Bảo hiểm xã hội một lần của ông T được tính như sau:
- Ông T có 10 năm 02 tháng đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014; 02 tháng lẻ sẽ được chuyển sang giai đoạn từ năm 2014. Như vậy, số tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính bảo hiểm xã hội một lần của ông T được tính là 10 năm trước năm 2014 và 6 năm 4 tháng đóng bảo hiểm xã hội giai đoạn từ năm 2014 trở đi (được tính là 6,5 năm).
- Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của ông T được tính như sau:
Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần = 1,5 tháng x 10 năm + 2 tháng x 6,5 năm x Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội
Như vậy, mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của ông T được tính bằng 28 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật