Giúp người khác chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Trước hết, về hình thức chuyển quyền sử dụng đất, Ðiều 689 Bộ luật Dân sự quy định như sau: Việc chuyển quyền sử dụng đất được thực hiện thông qua hợp đồng. Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật. Như vậy, khi chuyển quyền sử dụng hai thửa đất thuộc quyền sử dụng của bạn, việc chuyển quyền phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, theo thông tin bạn cung cấp, bạn không hề thực hiện bất kỳ thủ tục nào liên quan đến việc chuyển quyền sử dụng đất nêu trên nên có thể có hai khả năng:
- Thửa đất của bạn chưa được chuyển nhượng;
- Hoặc, nếu đã được chuyển nhượng thì anh T đã giả mạo chữ ký hoặc dùng biện pháp bất hợp pháp khác để chuyển nhượng thửa đất của bạn.
Vậy, bạn có thể tìm hiểu để biết thêm thông tin về vấn đề này. Nếu thửa đất chưa được chuyển nhượng thì hiện tại bạn vẫn là chủ sử dụng của mảnh đất đó và có quyền sử dụng, quản lý và thực hiện các quyền của chủ sử dụng đất đối với thửa đất. Bạn có quyền yêu cầu anh T trả lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã nhận của bạn trước đây.
Nếu thửa đất đã được chuyển nhượng cho người khác (qua hành vi trái pháp luật của anh T) thì việc bạn đòi lại thửa đất của mình sẽ khó khăn hơn. Trong trường hợp này, bạn có quyền khởi kiện anh T về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Hành vi của anh T khi tự ý thực hiện các thủ tục để chuyển nhượng thửa đất không thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình, cũng không do nhận ủy quyền từ chủ sử dụng đất (là bạn) có thể cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự. Khi tòa án giải quyết vụ án, các bên có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng do anh T thực hiện là vô hiệu.
Thư Viện Pháp Luật