Công chứng viên yêu cầu các bên thỏa thuận giá chuyển nhượng theo giá sàn
Việc làm của Công chứng viên như vậy là sai vì:
(i) Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận của các bên:
Ðiều 388 Bộ luật Dân sự quy định: “Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Khi giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bạn và chủ sử dụng đất có quyền tự do thỏa thuận các nội dung liên quan đến hợp đồng đó. Các bên có thể thỏa thuận về những nội dung sau đây (theo Điều 402 Bộ luật Dân sự):
- Ðối tượng của hợp đồng là tài sản phải giao, công việc phải làm hoặc không được làm;
- Số lượng, chất lượng;
- Giá, phương thức thanh toán;
- Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;
- Quyền, nghĩa vụ của các bên;
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
- Phạt vi phạm hợp đồng;
- Các nội dung khác.
Như vậy, bạn và chủ sử dụng đất có quyền tự thỏa thuận về giá chuyển nhượng hợp đồng mà không bắt buộc phải ghi mức giá theo yêu cầu của công chứng viên.
(ii) Thỏa thuận của các bên khi giao kết hợp đồng dân sự phải đảm bảo nguyên tắc theo Điều 389 Bộ luật Dân sự là không được trái pháp luật và đạo đức xã hội.
Thỏa thuận giá trị tài sản chuyển nhượng giữa bạn và chủ sử dụng đất là 50 triệu đồng không vi phạm bất kỳ quy định nào của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Hiện nay, không có quy định nào quy định việc các bên trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải thỏa thuận giá trị chuyển nhượng ở mức bao nhiêu (không có giá sàn hay giá trần). Trong trường hợp này, có thể công chứng viên đã nhầm lẫn với quy định về khung giá cơ bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, áp dụng để làm căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ phát sinh từ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (chứ không phải làm căn cứ để các bên thỏa thuận giá trị chuyển nhượng trong hợp đồng).
Thư Viện Pháp Luật