Nên liên hệ trực tiếp với cơ quan thi hành án dân sự
Trong trường hợp bạn hỏi, số tiền bồi thường thiệt hại là 36.200.000 đồng theo Bản án số 782/HSPT ngày 14/4/2004 của Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM thuộc loại việc thi hành án theo đơn yêu cầu thi hành án. Gia đình bạn được thi hành án thì phải có đơn yêu cầu thi hành án, trong thời hiệu yêu cầu thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án và tổ chức việc thi hành án này.
Bản án Phúc thẩm hình sự số 782/HSPT nêu trên có hiệu lực pháp luật kể từ ngày 14/4/2004, do đó áp dụng theo quy định tại Điều 5, 23, 25 và Điều 29 Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14/01/2004, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2004 (thay thế Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 21/4/1993). Nếu các bên đương sự không tự nguyện thi hành án thì người được thi hành án, người phải thi hành án căn cứ vào bản án, quyết định dân sự có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền ra quyết định thi hành. Người yêu cầu thi hành án phải có đơn yêu cầu thi hành án hoặc trực tiếp đến cơ quan thi hành án nêu rõ nội dung yêu cầu và các thông tin liên quan đến việc thi hành án kèm theo bản án, quyết định dân sự.
Thời hiệu yêu cầu thi hành án được quy định theo Pháp lệnh này là trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Nếu người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng đó không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án. Thủ trưởng cơ quan thi hành án có thẩm quyền ra quyết định thi hành án xem xét, ra quyết định khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án. Trong trường hợp không có căn cứ khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định không chấp nhận yêu cầu thi hành án quá hạn của người đó.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án, sau đó phân công Chấp hành viên tổ chức việc thi hành án.
Thủ trưởng cơ quan thi hành án có thẩm quyền ra quyết định thi hành án, có quyền trả lại đơn yêu cầu thi hành án và bản án, quyết định cho người được thi hành án trong trường hợp có quyết định đình chỉ việc thi hành án hoặc có căn cứ xác định người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án. Khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành thì người được thi hành án có quyền yêu cầu thi hành bản án, quyết định trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 25 của Pháp lệnh này, kể từ ngày có điều kiện thi hành.
Do bạn không nêu cụ thể gia đình bạn đã làm đơn yêu cầu thi hành án theo quy định hay chưa, cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án hay chưa và người phải thi hành án có tài sản để thi hành án hay không, nên chúng tôi không khẳng định đúng sai về việc cơ quan thi hành án không trả lời bạn.
Hiện nay, Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 không còn hiệu lực thi hành do có Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Vì thế, bạn nên liên hệ trực tiếp với Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang (nơi Toà án đã xét xử sơ thẩm vụ án) để đề nghị cơ quan thi hành án trả lời về những thông tin liên quan đến vụ việc của gia đình bạn. Trong trường hợp không trực tiếp đến Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang được thì bạn cần gửi đơn đề nghị qua đường bưu điện bằng thư bảo đảm nêu rõ nội dung vụ việc, kèm theo các tài liệu liên quan để đề nghị Cục Thi hành án dân sự có văn bản trả lời về vấn đề đã thụ lý việc thi hành án chưa, có uỷ thác thi hành án đi nơi khác hoặc đã trả lại đơn yêu cầu thi hành án hay chưa.v.v. Nếu vụ việc đã thụ lý mà chưa trả đơn yêu cầu thi hành án thì đề nghị cơ quan thi hành án tiếp tục thi hành, nếu vụ việc đã trả lại đơn yêu cầu thi hành án thì gia đình bạn chứng minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và gửi đơn yêu cầu thi hành án trở lại đề nghị cơ quan thi hành án nhận đơn, tổ chức việc thi hành án bảo đảm quyền lợi của gia đình bạn.
Thư Viện Pháp Luật