Công dân bình thường có được gọi đào tạo sĩ quan dự bị?
Tại Điều 4 Nghị định 78/2020/NĐ-CP, có quy định về đối tượng, tiêu chuẩn tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị như sau:
* Đối tượng tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị như sau:
- Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ;
- Hạ sĩ quan dự bị, cán bộ, công chức, viên chức và công dân tốt nghiệp đại học trở lên;
- Sinh viên khi tốt nghiệp đại học.
* Tiêu chuẩn tuyển chọn
Tiêu chuẩn chung
Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này có lịch sử chính trị của gia đình và bản thân rõ ràng, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc có đủ tiêu chuẩn chính trị để bồi dưỡng phát triển thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân; có trình độ, kiến thức chuyên môn, học vấn, tuổi đời phù hợp với từng đối tượng; sức khỏe từ loại 01 đến loại 03 theo quy định tuyển chọn sức khỏe tuyển quân, tuyển sinh quân sự của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tiêu chuẩn cụ thể
- Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ, hạ sĩ quan dự bị đã giữ chức phó trung đội trưởng hoặc cán bộ tiểu đội và tương đương; tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên, nếu thiếu, tuyển chọn đến tốt nghiệp trung học cơ sở, với người dân tộc thiểu số tuyển chọn trình độ học vấn lớp 7 trở lên; tuổi đời đối với quân nhân chuyên nghiệp không quá 35, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ và hạ sĩ quan dự bị không quá 30;
- Cán bộ, công chức, viên chức tuổi đời không quá 35; riêng đào tạo sĩ quan dự bị ngành y, dược, tuổi đời không quá 40; đào tạo sĩ quan dự bị chính trị phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam;
- Công dân tốt nghiệp đại học trở lên, tuổi đời không quá 35; sinh viên khi tốt nghiệp đại học, tuổi đời không quá 30.
=> Như vậy, theo quy định nêu trên thì công dân bình thường nếu tốt nghiệp đại học trở lên và đáp ứng được các tiêu chuẩn vẫn thuộc đối tượng tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị.
Trân trọng.
Thư Viện Pháp Luật