Xử lý tài sản bảo lãnh
Trong trường hợp bạn nêu, do không có tài liệu liên quan đến nội dung hỏi nên chúng tôi không thể trả lời chính xác được.
Tuy nhiên, chúng tôi thấy sự việc Ngân hàng cho một Công ty A vay với biện pháp bảo đảm là nhận thế chấp bằng quyền sử dụng đất của ông B, ông B không phải là thành viên trong công ty A thì đó không phải là cho vay có bảo đảm bằng thế chấp mà là bảo lãnh theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm. Bởi vì Điều 342 Bộ luật Dân sự quy định thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp) và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp. Trong trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp. Trong trường hợp thế chấp một phần bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. Tài sản thế chấp cũng có thể là tài sản được hình thành trong tương lai. [Anchor] Điều 361 Bộ luật Dân sự quy định bảo lãnh là việc người thứ ba (say đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ; các bên cũng có thể thoả thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.
Việc xử lý tài sản bảo lãnh được thực hiện để bảo đảm quyền lợi của bên nhận bảo lãnh hợp pháp. Nếu việc nhận bảo lãnh không đúng quy định của pháp luật thì bên nhận bảo lãnh có thể không được nhận đầy đủ lợi ích của mình từ việc xử lý tài sản của bên bảo lãnh.
Ngân hàng nêu tình tiết ông B hiện đang bị cơ quan pháp luật cấm giao dịch liên quan đến lĩnh vực đất đai thì chưa rõ cấm giao dịch cụ thể thế nào? Pháp luật hiện hành không có quy định nào cho phép cơ quan pháp luật cấm người nào đó một cách chung chung là “cấm giao dịch liên quan đến lĩnh vực đất đai” bởi giao dịch liên quan đến đất đai là một cụm từ có ý nghĩa rất rộng. Nếu như cơ quan pháp luật có quyết định hợp pháp cấm ông A chuyển dịch đối với diện tích đất nêu trên thì quyết định cấm chuyển dịch đó phải được thực hiện. Ngân hàng có thể đề nghị cơ quan pháp luật đã ban hành quyết định cấm đó xem xét việc bảo đảm quyền lợi của mình.
Thư Viện Pháp Luật