Những nguyên tắc quản lý vốn Nhà nước sử dụng trong thực hiện dự án PPP

Cho hỏi những nguyên tắc quản lý vốn Nhà nước sử dụng trong thực hiện dự án PPP. Cảm ơn.

Điều 7 Nghị định 28/2021/NĐ-CP có quy định nguyên tắc quản lý vốn Nhà nước sử dụng trong thực hiện dự án PPP như sau:

1. Vốn đầu tư công, giá trị tài sản công hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng theo quy định tại Điều 70 Luật PPP:

a) Việc sử dụng vốn đầu tư công hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 70 Luật PPP được quy định cụ thể trong hợp đồng dự án PPP về tỷ lệ, giá trị, tiến độ, điều kiện quy định tại hợp đồng dự án PPP.

b) Tỳ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP quy định tại điểm a, điểm c khoản 1 Điều 69 Luật PPP không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án quy định tại hợp đồng dự án PPP. Đối với dự án có nhiều dự án thành phần, trong đó có dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP thì tỷ lệ vốn nhà nước quy định tại điểm a, điểm c khoản 1 Điều 69 Luật PPP không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án thành phần có sử dụng vốn Nhà nước.

c) Phần vốn Nhà nước sử dụng trong dự án PPP theo quy định tại điểm a, điểm c khoản 1 Điều 69 Luật PPP không tính vào phương án thu hồi vốn và lợi nhuận của nhà đầu tư.

2. Sử dụng tài sản công để hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng:

a) Thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định sử dụng tài sản công để hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;

b) Tài sản công hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng phải được thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Thời điểm phát hành chứng thư thẩm định giá để xác định giá trị giá tài sản công không quá 06 tháng tính đến thời điểm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án PPP.

3. Vốn Nhà nước để thanh toán cho doanh nghiệp dự án PPP cung cấp sản phẩm, dịch vụ công thực hiện theo hợp đồng BTL, hợp đồng BLT:

a) Đối với các dự án do các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập không tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc đảm bảo một phần là cơ quan ký kết hợp đồng, vốn thanh toán cho doanh nghiệp dự án PPP gồm:

- Vốn đầu tư công được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm để thanh toán chi phí đầu tư của dự án PPP;

- Vốn chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước được bố trí trong dự toán hằng năm và các khoản thu (nếu có) của dự án PPP để thanh toán chi phí vận hành của doanh nghiệp dự án PPP.

b) Đối với các dự án do các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư là cơ quan ký kết hợp đồng, vốn thanh toán cho doanh nghiệp dự án PPP bao gồm:

- Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp, nguồn chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cấp được bố trí để thanh toán phần chi phí đầu tư của dự án PPP thuộc phần vốn Nhà nước trong dự án PPP;

- Nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

c) Nguồn vốn thanh toán, điều kiện thanh toán, mức vốn thanh toán, thời điểm thanh toán, thời hạn thanh toán phải được quy định trong hợp đồng dự án PPP.

4. Vốn nhà nước bố trí từ nguồn vốn chi thường xuyên thanh toán cho phần chi phí triển khai thực hiện dự án sau khi ký kết hợp đồng của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 73 Luật PPP được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

5. Nhà nước thanh toán cho doanh nghiệp dự án PPP phần doanh thu giảm theo cơ chế chia sẻ tăng, giảm doanh thu từ dự phòng ngân sách nhà nước quy định tại Điều 82 Luật PPP thực hiện theo quy định tại Chương V Nghị định này.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Thực hiện dự án PPP

Nguyễn Đăng Huy

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào