Để trở thành học sinh giỏi, học sinh khá cấp THCS, THPT cần đáp ứng điều kiện gì?
- Xếp loại học sinh khá, học sinh giỏi đối với trung học cơ sở, học sinh trung học phổ thông thì áp dụng văn bản nào?
- Để trở thành học sinh giỏi, học sinh khá cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông cần đáp ứng điều kiện gì?
- Cách xếp loại học sinh trung học cơ sở, học sinh trung học phổ thông theo quy định định mới?
Xếp loại học sinh khá, học sinh giỏi đối với trung học cơ sở, học sinh trung học phổ thông thì áp dụng văn bản nào?
Tại Điều 21 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT có quy định về hiệu lực thi hành của Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông như sau:
Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 9 năm 2021 và thực hiện theo lộ trình sau:
- Từ năm học 2021-2022 đối với lớp 6.
- Từ năm học 2022-2023 đối với lớp 7 và lớp 10.
- Từ năm học 2023-2024 đối với lớp 8 và lớp 11.
- Từ năm học 2024-2025 đối với lớp 9 và lớp 12.
2. Thông tư này thay thế Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông và Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo lộ trình quy định tại khoản 1 Điều này.
Như vậy, trong việc xếp loại học sinh khá, học sinh giỏi đối với học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông sẽ áp dụng như sau:
Năm học 2022 - 2023: lớp 6, lớp 7 và lớp 10 sẽ áp dụng Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT; lớp 8, lớp 9, lớp 11, lớp 12 sẽ áp dụng Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT (được sửa đổi bởi Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT).
Năm học 2023-2024: lớp 6, lớp 7, lớp 8, lớp 10, lớp 11 sẽ áp dụng Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT; lớp 9 và lớp 12 sẽ áp dụng Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT (được sửa đổi bởi Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT).
Từ năm học 2024-2025 trở đi, tất cả các lớp đều áp dụng theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT.
Để trở thành học sinh giỏi, học sinh khá cấp THCS, THPT cần đáp ứng điều kiện gì? (Hình từ Internet)
Để trở thành học sinh giỏi, học sinh khá cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông cần đáp ứng điều kiện gì?
Theo quy định tại Điều 18 Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT, được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT có quy định về xét công nhận học sinh giỏi, học sinh tiên tiến như sau:
Xét công nhận danh hiệu học sinh
1. Công nhận đạt danh hiệu học sinh giỏi học kì hoặc cả năm học, nếu đạt hạnh kiểm loại tốt và học lực loại giỏi.
2. Công nhận đạt danh hiệu học sinh tiên tiến học kì hoặc cả năm học, nếu đạt hạnh kiểm từ loại khá trở lên và học lực từ loại khá trở lên.
3. Học sinh đạt thành tích nổi bật hoặc có tiến bộ vượt bậc trong học tập, rèn luyện được Hiệu trưởng tặng giấy khen.
Theo quy tại khoản 1, khoản 2 Điều 13 Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT, được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 2 Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT có quy định về tiêu chuẩn xếp loại học kỳ và xếp loại cả năm học đối với học sinh giỏi, học sinh khá như sau:
Tiêu chuẩn xếp loại học kỳ và xếp loại cả năm học
1. Loại giỏi, nếu có đủ các tiêu chuẩn sau đây:
a) Điểm trung bình các môn học từ 8,0 trở lên, trong đó điểm trung bình của 1 trong của 1 trong 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ từ 8,0 trở lên; riêng đối với học sinh lớp chuyên của trường THPT chuyên phải thêm điều kiện điểm trung bình môn chuyên từ 8,0 trở lên;
b) Không có môn học nào điểm trung bình dưới 6,5;
c) Các môn học đánh giá bằng nhận xét đạt loại Đ.
2. Loại khá, nếu có đủ các tiêu chuẩn sau đây:
a) Điểm trung bình các môn học từ 6,5 trở lên, trong đó điểm trung bình của 1 trong 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ từ 6,5 trở lên; riêng đối với học sinh lớp chuyên của trường THPT chuyên phải thêm điều kiện điểm trung bình môn chuyên từ 6,5 trở lên;
b) Không có môn học nào điểm trung bình dưới 5,0;
c) Các môn học đánh giá bằng nhận xét đạt loại Đ.
Tại Điều 4 Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT có quy định về tiêu chuẩn xếp loại hạnh kiểm như sau:
Tiêu chuẩn xếp loại hạnh kiểm
1. Loại tốt:
a) Thực hiện nghiêm túc nội quy nhà trường; chấp hành tốt luật pháp, quy định về trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông; tích cực tham gia đấu tranh với các hành động tiêu cực, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội;
b) Luôn kính trọng thầy giáo, cô giáo, người lớn tuổi; thương yêu và giúp đỡ các em nhỏ tuổi; có ý thức xây dựng tập thể, đoàn kết, được các bạn tin yêu;
c) Tích cực rèn luyện phẩm chất đạo đức, có lối sống lành mạnh, giản dị, khiêm tốn; chăm lo giúp đỡ gia đình;
d) Hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ học tập, có ý thức vươn lên, trung thực trong cuộc sống, trong học tập;
đ) Tích cực rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường;
e) Tham gia đầy đủ các hoạt động giáo dục, các hoạt động do nhà trường tổ chức; tích cực tham gia các hoạt động của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
g) Có thái độ và hành vi đúng đắn trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống theo nội dung môn Giáo dục công dân.
2. Loại khá:
Thực hiện được những quy định tại Khoản 1 Điều này nhưng chưa đạt đến mức độ của loại tốt; còn có thiếu sót nhưng kịp thời sửa chữa sau khi thầy giáo, cô giáo và các bạn góp ý.
Theo đó, để được công nhận là học sinh giỏi, học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông cần đạt hạnh kiểm loại tốt và học lực loại giỏi. Để được công nhận là học sinh khá, học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông cần đạt hạnh kiểm loại khá trở lên và học lực loại khá trở lên.
Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng đối với học sinh lớp 8, lớp 9, lớp 11, lớp 12 trong năm học 2022-2023. Lớp 9 và lớp 12 trong năm học 2023-2024.
Cách xếp loại học sinh trung học cơ sở, học sinh trung học phổ thông theo quy định định mới?
Tại Điều 15 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT có quy định về khen thưởng học sinh như sau:
Khen thưởng
1. Hiệu trưởng tặng giấy khen cho học sinh
a) Khen thưởng cuối năm học
- Khen thưởng danh hiệu "Học sinh Xuất sắc" đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Tốt, kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt và có ít nhất 06 (sáu) môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm số có ĐTBmcn đạt từ 9,0 điểm trở lên.
- Khen thưởng danh hiệu "Học sinh Giỏi" đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Tốt và kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt.
b) Khen thưởng học sinh có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập trong năm học.
2. Học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng.
Theo đó, quy định mới sẽ khen thưởng danh hiệu học sinh Xuất sắc đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Tốt, kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt và có ít nhất 06 (sáu) môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm số có ĐTBmcn đạt từ 9,0 điểm trở lên.
Khen thưởng danh hiệu "Học sinh Giỏi" đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Tốt và kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt.
Quy định này áp dụng đối với học sinh lớp 6, lớp 7, lớp 10 năm học 2022-2023; lớp 6, lớp 7, lớp 8, lớp 10, lớp 11 năm học 2023-2024; từ năm học 2024-2025 tất cả các học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông sẽ áp dụng theo quy định này.
Trân trọng!
Huỳnh Minh Hân