Vượt quá nồng độ cồn bị tạm giữ xe khi nào mới lấy lại được?
Theo Điểm c Khoản 7 và Điểm e Khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, trong đó:
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở;
- Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.
Bên cạnh đó, tại Điểm b Khoản 1 Điều 82 Nghị định này có quy định về tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm như sau: Để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được phép tạm giữ phương tiện tối đa đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt đối với những hành vi vi phạm được quy định tại các điều, khoản, điểm sau đây của Nghị định này và phải tuân thủ theo quy định tại khoản 2 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính:
....
Điểm b, điểm c khoản 6; điểm c khoản 7; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm e, điểm g, điểm h, điểm i khoản 8; khoản 9 Điều 6;
Như vậy, trường hợp anh điều khiển xe máy mà hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền đến 5 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng GPLX 16 tháng - 18 tháng.
Đồng thời, sẽ bị tạm giữ phương tiện tối đa 7 ngày trước khi ra quyết định xử phạt. Do đó, sau khi hết thời hạn 7 ngày tạm giữ xe thì cơ quan nhà nước sẽ ra quyết định xử phạt với hành vi tham gia giao thông và anh có thể nhận xe.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật