Uống rượu bia mà lái xe thì sẽ bị tước bằng lái?
1. Uống rượu bia mà lái xe ô tô sẽ bị tước bằng lái?
Căn cứ quy định: Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Đối với xe ô tô:
Điểm c Khoản 6 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định:
Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Đây là mức xử phạt thấp nhất đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm về nồng độ cồn.
Đồng thời, người điều khiển xe ô tô còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng (Điểm e Khoản 11 Điều 5 này).
Như vậy, có thể kết luận rằng người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe ít nhất là 10 tháng, vi phạm nặng hơn thì sẽ bị tước giấy phép lâu hơn.
2. Uống rượu bia mà lái xe máy bị xử phạt như thế nào?
Đối với xe máy:
Điểm c Khoản 6 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định:
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Đây là mức xử phạt thấp nhất đối với người điều khiển xe máy vi phạm về nồng độ cồn.
Đồng thời, người điều khiển xe máy còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng (Điểm đ Khoản 10 Điều 6 này).
Như vậy, có thể kết luận rằng người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe ít nhất là 10 tháng, vi phạm nặng hơn thì sẽ bị tước giấy phép lâu hơn.
Tóm lại, khi uống rượu bia mà lái xe (xe máy, xe ô tô) thì sẽ bị tước bằng lái xe ít nhất 10 tháng theo như các quy định nêu trên.
Trân trọng!
Nguyễn Đăng Huy