Khám nghiệm tử thi bắt buộc phải được sự đồng ý của gia đình bị hại?
Tại Điều 202 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có quy định về khám nghiệm tử thi như sau:
- Việc khám nghiệm tử thi do giám định viên pháp y tiến hành dưới sự chủ trì của Điều tra viên và phải có người chứng kiến.
Trước khi khám nghiệm tử thi, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian và địa điểm tiến hành khám nghiệm để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc khám nghiệm tử thi. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm tử thi.
- Giám định viên kỹ thuật hình sự có thể được mời tham gia khám nghiệm tử thi để phát hiện, thu thập dấu vết phục vụ việc giám định.
- Khi khám nghiệm tử thi phải tiến hành chụp ảnh, mô tả dấu vết để lại trên tử thi; chụp ảnh, thu thập, bảo quản mẫu vật phục vụ công tác trưng cầu giám định; ghi rõ kết quả khám nghiệm vào biên bản. Biên bản khám nghiệm tử thi được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này.
- Trường hợp cần khai quật tử thi thì phải có quyết định của Cơ quan điều tra và thông báo cho người thân thích của người chết biết trước khi tiến hành. Trường hợp người chết không có hoặc không xác định được người thân thích của họ thì thông báo cho đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi chôn cất tử thi biết.
=> Như vậy, theo quy định nêu trên thì không có quy định khi khám nghiệm tử thi bắt buộc phải được sự đồng ý của gia đình bị hại. Mà chỉ quy định thẩm quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ và thủ tục của các cơ quan tiến hành tố tụng khi tiến hành khám nghiệm tử thi.
Trân trọng.
Thư Viện Pháp Luật