Bán tài sản đã bị kê biên để thi hành án

Năm 2003, tôi khởi kiện đòi lại 400 triệu đồng đã cho người bạn vay; cho đến năm 2005 thì vụ kiện mới được xét xử xong, Tòa án tuyên bạn tôi phải trả lại cho tôi số tiền trên và lãi suất chậm thi hành án. Trong năm 2005, tôi đã làm xong các thủ tục yêu cầu thi hành án và cơ quan thi hành án cũng đã kê biên nhà, đất của người bị thi hành án để bán đấu giá thi hành án cho tôi. Đến năm 2007 và 2008 người bị thi hành án liên tiếp dùng nhà đất đã bị kê biên đi thế chấp ngân hàng (có công chứng), cơ quan thi hành án biết (đã lập biên bản) nhưng không có văn bản và không gửi quyết định kê biên cho cơ quan chức năng khác để kịp thời ngăn chặn giao dịch. Hậu quả là người bị thi hành án đã bán tài sản bị kê biên, hợp đồng chuyển nhượng có công chứng. Người mua đã được cấp giấy chứng nhận, phá bỏ nhà cũ xây thành khách sạn. Khi tôi phát hiện và báo cho cơ quan thi hành án thì mọi việc đã rồi. Tôi làm đơn khiếu nại thi hành án làm việc tắc trách để người bị thi hành án tẩu tán tài sản kê biên và tố cáo người bị thi hành án thì cơ quan thi hành án chỉ tôi kiện ra tòa yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng, tôi nghe lời và kiện ra tòa. Tòa án cho tôi photocopy toàn bộ hồ sơ thì tôi được biết cơ quan công chứng không nhận được quyết định kê biên tài sản của Tòa án hay thi hành án, mà người bán trả nợ cho ngân hàng rồi cùng người mua đến công chứng làm hợp đồng, có thông báo giải chấp tài sản thế chấp của ngân hàng. Vụ kiện xin hủy hợp đồng đến nay đã 4 năm mà Tòa chưa xử xong, do mỗi cấp tòa xét xử mỗi khác. Đến nay thì tòa sơ thẩm phải xử lại từ đầu do bị hủy án. Tôi xin hỏi, tôi rút đơn kiện xin hủy Hợp đồng chuyển nhượng tại Tòa án được không? Tôi làm đơn kiện chấp hành viên phụ trách vụ thi hành án của tôi để yêu cầu bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước được không?

Việc kê biên tài sản được thực hiện năm 2005 do đó sẽ được áp dụng theo khoản 7 Điều 41 Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1998:

“Đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm thì sau khi kê biên, Chấp hành viên phải thông báo cho cơ quan đăng ký quyền sở hữu, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm biết”.

Khoản 1 và 3 Điều 16 Nghị định 164/2004/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/9/2004 quy định về những người tham gia kê biên quyền sử dụng đất như sau:

“1. Việc kê biên quyền sử dụng đất phải được tiến hành trên thực địa. Khi kê biên phải có mặt những người sau đây:

a) Các thành viên Hội đồng kê biên quyền sử dụng đất;

b) Đại diện Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất nơi có đất bị kê biên;

c) Đại diện ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất bị kê biên;

d) Người phải thi hành án, người được thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến quyền sử dụng đất được kê biên hoặc người đại diện hợp pháp của họ.

….

3. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp được mời tham gia giám sát; người sử dụng đất liền kề được mời tham gia chứng kiến việc kê biên quyền sử dụng đất.”

Khoản 4 Điều 20 Nghị định 164/2004/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/9/2004 quy định về Tạm giao quản lý, khai thác, sử dụng diện tích đất đã kê biên như sau:

“4. Trong thời hạn tạm giao quản lý, khai thác, sử dụng đất đã kê biên, người được tạm giao không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, để thừa kế quyền sử dụng đất, thế chấp, bảo lãnh hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được làm thay đổi hiện trạng sử dụng đất và không được sử dụng đất trái mục đích do pháp luật về đất đai quy định.”

Khoản 5 và 6 Điều 21 Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ Quy định về thủ tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự quy định về kê biên tài sản như sau:

“5. Đối với trường hợp tài sản kê biên thuộc diện đăng ký quyền sở hữu, sử dụng, đăng ký giao dịch bảo đảm thì khi ra quyết định kê biên tài sản, Chấp hành viên phải thông báo ngay cho các cơ quan sau đây biết việc kê biên tài sản:

a) Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan có thẩm quyền về đăng ký tài sản gắn liền với đất trong trường hợp kê biên quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;

b) Cục Hàng không Việt Nam, trong trường hợp tài sản kê biên là tàu bay;

c) Cơ quan đăng ký tàu biển và thuyền viên khu vực, trong trường hợp tài sản kê biên là tàu biển;

d) Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, trong trường hợp tài sản kê biên là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ;

đ) Cơ quan đăng ký thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp, trong trường hợp tài sản kê biên không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c của khoản này, trừ trường hợp tài sản kê biên là tài sản có giá trị nhỏ hoặc tài sản kê biên đã được giao cho cá nhân, tổ chức có điều kiện bảo quản hay được bảo quản tại kho của cơ quan thi hành án.

e) Các cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu, sử dụng khác theo quy định của pháp luật.

6. Kể từ thời điểm nhận được thông báo về việc kê biên tài sản, cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản không thực hiện việc đăng ký chuyển dịch tài sản đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

Điều 89 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định về kê biên tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm như sau:

“1. Trước khi kê biên tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật, Chấp hành viên yêu cầu cơ quan đăng ký cung cấp thông tin về tài sản, giao dịch đã đăng ký.

2. Sau khi kê biên, Chấp hành viên thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký về việc kê biên tài sản đó để xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 178 của Luật này.”

Như vậy, theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự thì tài sản đã kê biên để đảm bảo cho việc thi hành án người bị kê biên, quản lý tài sản không được mua bán, chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, cho tặng dưới mọi hình thức. Tài sản  kê biên đã được thông báo cho các cơ quan hữu quan và Phòng đăng ký quyền sở hữu, sử dụng nhà đất. Do vậy, hợp đồng chuyển nhượng tài sản đã kê biên là không có giá trị pháp lý.

Lỗi thuộc về Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự thực hiện vụ việc, cán bộ địa chính xã (phường, thị trấn) và cán bộ Phòng đăng ký quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở đã xác nhận và thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn liền với nhà ở là tài sản đã kê biên để đảm bảo cho việc thi hành án không đúng quy định của pháp luật.

Bạn nên làm đơn khiếu nại Thủ trưởng cơ quan thi hành hành án dân sự nơi Chấp hành viên đang giải quyết vụ việc.

Gửi đơn kiến nghị Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp để được giải quyết việc người phải thi hành án không chấp hành pháp luật, đã cố tình vi phạm pháp luật.

Gửi đơn khiếu nại tới  Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện (quận, thị xã) nơi quản lý cán bộ Phòng đăng ký quyền sử dụng đất, nhà ở để xem xét tới việc hủy hợp đồng chuyển nhượng trái pháp luật, để ra quyết định thu hồi quyết định cấp quyền sử dụng đất đối với hợp đồng chuyển nhượng như trên.

Bạn đã làm đơn khởi kiện tại Tòa án thì không nên rút đơn, Tòa án sẽ căn cứ theo kết luận của Viện Kiểm sát cùng cấp và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân để cùng giải quyết vụ việc.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Kê biên tài sản

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào