Kê biên tài sản đang thế chấp tại Ngân hàng
Trong trường hợp bạn nêu, do không có hồ sơ thi hành án, chúng tôi không biết được quan điểm của Viện kiểm sát nhân và của người phải thi hành án cụ thể như thế nào? giá trị tài sản thế chấp khi kê biên là bao nhiêu? tài sản đó tách ra từng phần thì có làm mất hoặc giảm đáng kể giá trị không? Vì thế, chúng tôi không khẳng định đúng hay sai một cách chính xác. Tuy nhiên, chúng tôi trao đổi một số ý kiến để bạn tham khảo như sau:
- Về nguyên tắc, cơ quan thi hành án dân sự muốn kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang thế chấp cho người khác để đảm bảo thi hành án thì phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 90 Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Theo đó, trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án. Khi kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp, Chấp hành viên phải thông báo ngay cho người nhận cầm cố, nhận thế chấp; khi xử lý tài sản kê biên, người nhận cầm cố, nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán theo quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật này.
- Theo quy định khoản 1 Điều 8 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự thì việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí cần thiết. Trường hợp người phải thi hành án chỉ có một tài sản duy nhất lớn hơn nhiều lần so với nghĩa vụ phải thi hành án mà tài sản đó không thể phân chia được hoặc việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên vẫn có quyền áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế để thi hành án.
Thư Viện Pháp Luật