Nên làm gì khi hàng xóm chăn nuôi gây mùi hôi thối?
Theo Khoản 3 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018 thì chăn nuôi nông hộ là hình thức tổ chức hoạt động chăn nuôi tại hộ gia đình.
Việc chăn nuôi nông hộ phải đáp ứng các yêu cầu tại Điều 56 Luật Chăn nuôi 2018 sau đây:
- Chuồng nuôi phải tách biệt với nơi ở của người;
- Định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi;
- Có các biện pháp phù hợp để vệ sinh phòng dịch; thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi và chất thải chăn nuôi khác theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.
Theo đó khi hàng xóm nuôi lợn phải có trách nhiệm đảm bảo vấn đề về bảo vệ môi trường, tránh mùi hôi thối, không làm ảnh hưởng đến người khác.
Theo Điều 160 Luật Bảo vệ môi trường 2014 thì: Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, gây thiệt hại cho tổ chức và cá nhân khác, có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại và xử lý theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
Và Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 quy định bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra như sau:
Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy, nếu việc chăn nuôi lợn dẫn đến ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của những người xung quanh thì phải có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, bồi thường thiệt hại.
Trường hợp của anh/chị trước hết nên trao đổi với hàng xóm về vấn đề nuôi lợn làm ảnh hưởng đến người khác, đề nghị hàng xóm có biện pháp khắc phục mùi hôi thối như di chuyển vị trí nuôi lợn ra xa, có cách thức xử lý mùi hôi thối,... Nếu hàng xóm vẫn không thay đổi, cố tình làm ảnh hưởng đến đời đống thì anh/chị có thể báo với chính quyền địa phương để xử lý.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật